Tình hình bất ổn ở các nước như Peru, Sri Lanka hay Pakistan là dấu hiệu cho những nguy hiểm và khó khăn mà các nước này gặp phải khi lạm phát tăng chóng mặt.
Giá lương thực đã bị đẩy lên cao ở mức kỷ lục vào đầu năm nay và ảnh hưởng để hàng triệu người do đại dịch kéo dài, thời tiết xấu và những khủng hoảng về khí hậu. Tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi chiến tranh ở Ukraine diễn ra. Giá nhiên liệu cũng theo đà giá lương thực mà tăng lên cao.
Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao có thể khiến người dân nổi giận dẫn đến các làn sóng về chính trị lẫn kinh tế. “Đây là điều rất đáng lo ngại”, Rabah Arezki – cựu kinh tế trưởng tại Ngân hàng Phát triển Châu Phi cho biết.
Rủi ro nói trên là rất có thể xảy ra khi nó đã diễn ra tại Pere, Sri Lanka và Pakistan. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở Sri Lanka, người dân đã xuống đường vì giá khí đốt và các sản phẩm thiết yếu đã tăng cao một cách bất ngờ. Số lượng người ủng hộ Thủ tướng Imran Khan của Pakistan cũng giảm do lạm phát của nước đã tăng lên đến hai chữ số. Trong khi đó, người dân ở Peru cũng không hài lòng về việc giá nhiên liệu tăng cao.
“Tôi không nghĩ rằng mọi người đã cảm nhận được hết tác động của việc tăng giá đâu”, nhà phân tích khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Verisk Maplecroft – Hamish Kinnear nhận định.
Chỉ số lương thực đã tăng gần 13% lên mức 159,3 chỉ trong 1 tháng từ tháng 2 đến tháng 3, theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO). Nguyên nhân là vì chiến sự căng thẳng ở Ukraine – một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô và dầu thực vật lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, Nga – nước sản xuất lúa mì và phân bón lớn, đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh. Có thể dự báo được giá vẫn sẽ tăng trong vài tháng tới.
“40% lúa mì và ngô xuất khẩu từ Ukraine là sang Trung Đông và châu Phi – những nơi vốn đang vật lộn với nạn đói. Ở các nước này, thiếu lương thực hay giá tăng cao đều có thể gây ra bất ổn”, Gilbert Houngbo – Giám đốc Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế – tháng trước cho biết.
Giá nhiên liệu và khí đốt trên toàn cầu cũng đang trong đà tăng. Giá dầu của thế giới cũng đã tăng gần 60% so với thời điểm này trong năm ngoái. Giá than đá và khí đốt thiên nhiên cũng không đứng ngoài “trào lưu tăng giá” này.
Chính phủ của các nước vẫn đang cố gắng hết sức để đảm bảo người dân của họ có được cuộc sống ổn định. Thế nhưng, các quốc gia đã từng vay những khoản nợ lớn để chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và đang đối mặt với đại dịch kéo dài sẽ có khả năng bị tổn thương cao hơn. Khi tốc độ tăng trưởng của họ chậm lại, đồng tiền của các nước này sẽ rớt giá, từ đó làm cho việc trả nợ trở nên càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, việc duy trì các khoản trợ giá cho lương thực và nhiên liệu sẽ đặc biệt khó khăn hơn vì giá chưa có tín hiệu chững lại hay đổi chiều.
“Nhiều nước đang mắc nợ”, Arezki giải thích, “Hậu quả là họ không có bộ đệm tài chính để kiềm chế căng thẳng sinh ra từ giá tăng cao”.
Ngân hàng Thế giới, World Bank cho hay, có khoảng 60% các nước trong nhóm nghèo nhất thế giới “đang khó trả nợ hoặc có rủi ro cao khó trả nợ” từ trước khi chiến sự Ukraine diễn ra.