Đại dịch ập đến khiến tình hình kinh tế nhiều quốc gia trở nên khó khăn, các nước kéo nhau đi vay khiến nợ công được dự đoán sẽ tăng đến con số 71.600 tỷ USD trong năm nay.
Hôm thứ ba, 12/04/2022, Sri Lanka tuyên bố vỡ nợ với số nợ nước ngoài 51 tỷ USD. Cuộc khủng hoảng kinh tế mà nước này đang đối mặt là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1948 đến nay. Trong tháng trước, lạm phát của nước này đã lên đến hai con số, 18,3% – gấp 2 lần tốc độ lạm phát của Mỹ. Vì sự lạm phát này, giá cả của các mặt hàng thiết yếu hàng ngày đều tăng cao một cách chóng mặt.
Thời điểm Sri Lanka vỡ nợ, cả thế giới cũng đang đối mặt với một số nợ khổng lồ. Số nợ này tăng lên trong 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Janus Henderson Foundation – Một hãng quản lý tài sản của Anh đã công bố một báo cáo hồi đầu tháng ba, cho thấy dự đoán về số nợ công có thể tăng lên 9,5% và đạt con số kỷ lục 71.600 tỷ USD trong năm nay.
Số nợ công tăng lên đa phần do các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đi vay nhiều hơn. Trong số đó, Trung Quốc là nước mượn nợ nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất. Nước này đã mượn 650 tỷ USD trong năm ngoái. Trong nhóm các nước có nền kinh tế phát triển với quy mô lớn, Đức là nước có tốc độ tăng nợ nhanh nhất, 15%, con số này gần gấp đôi tốc độ tăng của toàn thế giới.
Năm 2021, bản báo cáo cho hay, mức nợ công toàn cầu đã đạt mức 65.400 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm 2020. Tại thời điểm đó, các quốc gia kéo nhau đi vay vì tiền lãi giảm đến mức thấp kỷ lục, chỉ còn 1.010 tỷ USD và lãi suất thực tế chỉ có 1,6%. Tuy nhiên, chi phí để trả nợ được dự đoán sẽ tăng lên 14,5% trong năm nay, tăng lên mức 1.160 tỷ USD.
Thế nhưng, khối nợ công này đã rất cao trước cả khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Trong suốt thời gian đại dịch diễn ra, con số thâm hụt và nợ tăng lên nhanh hơn nhiều so với các năm đầy tiên của các cuộc suy thoái kinh tế khác, kể cả cuộc Đại suy thoái ở thập niên 30 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Cơ sở dữ liệu Nợ toàn cầu của IMF cho hay, nợ toàn cầu đã tăng lên đến mức 28%, tương đương với 256% GDP của năm 2020. Trong đó, nợ công chiếm khoảng một nửa con số nói trên, phần còn lại đến từ các công ty phi tài chính và hộ gia định. Hiện tại, nợ công chiếm khoảng 40% tổng số nợ toàn cầu, đây là con số cao nhất trong vòng 6 thập kỷ vừa qua.