Sau hai năm vắng mặt, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) được tổ chức trở lại tại Davos trong bối cảnh nhiều giá trị mà họ dày công xây dựng đang rạn nứt.
Trong 5 thập kỷ qua, Nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Klaus Schwab, đã ca ngợi về một thế giới có sự liên kết lẫn nhau. Tại đó, con người, dịch vụ, hàng hóa hay thậm chí là ý tưởng được lưu chuyển tự do với nhau, cùng xây dựng lên một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Tuy nhiên, hai năm qua, những biến động của thế giới đã thách thức khát vọng đó.
Một làn sóng dịch chuyển chính sách đối ngoại theo chủ nghĩa biệt lập đã diễn ra bởi sự thúc đẩy của đại dịch, các chuỗi cung ứng trở nên mong manh và tách dần Trung Quốc ra khỏi phần còn lại của thế giới. Sau đó, khủng hoảng Ukraine làm dấy lên lo ngại về xung đột toàn cầu rộng lớn hơn.
Trước cả khi đại dịch và chiến tranh diễn ra, lục đục nội bộ đã làm cho tình hình của các siêu cường như Mỹ trở nên căng thẳng. Bây giờ, khi Schwab chủ trì cuộc họp đầu tiên của WEF ở Davos (Thụy Sĩ) kể từ khi đại dịch bắt đầu, ông phải đối mặt với một thế giới trông rất khác thứ mà ông đã cố gắng tạo ra trong hơn 50 năm.
“Tôi nghĩ đây sẽ là Diễn đàn Kinh tế Thế giới đầu tiên mà bản thân Klaus không tin rằng đó là một thế giới do phương Tây lãnh đạo và các quốc gia còn lại một lòng đi theo”, Ian Bremmer, Nhà khoa học chính trị đã thường xuyên tham dự sự kiện này, nhận định.
Bản thân ông Schwab dường như hiểu rằng trật tự toàn cầu như ông từng hình dung đã ít nhiều thay đổi. “Chúng ta đang sống trong một thế giới khác. Khi gặp nhau năm 2020, chúng ta đã có rất nhiều mối quan tâm lớn. Bây giờ chúng ta có thêm hai sự kiện thực sự tăng thêm độ nghiêm trọng của tình hình”, ông nói.
Như thường lệ, cuộc họp thường niên sẽ có sự góp mặt của các chính trị gia, quan chức, giám đốc điều hành và các nhà lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận. Các vấn đề hiện thời như chiến sự và Covid sẽ được thảo luận, cùng với các mối đe dọa lâu năm như biến đổi khí hậu và an ninh mạng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, sẽ phát biểu trực tuyến trước các nguyên thủ quốc gia khác.
Điểm nóng ở Ukraine
Moskva đã và đang là đối thủ chiến lược của Mỹ và châu Âu trong nhiều năm, nhưng ngược lại, mối quan hệ kinh tế giữa họ ngày càng sâu sắc. Hàng trăm tập đoàn đa quốc gia đã chọn Nga để đặt chi nhánh, nhà máy, châu Âu cũng trở thành nơi nhập khẩu dầu lớn của Nga.
“Tôi hoàn toàn không thể có được một cách giải thích hợp lý”, Schwab nói. Ông đã gặp và thảo luật với tổng thống Putin vào cuối năm 2019 để thuyết phục Tổng thống Nga đến Davos nhằm tăng tình đoàn kết với phương Tây.
Sự hợp tác cấp thiết
“Về cơ bản, tôi tin rằng toàn cầu hóa – với con người và ý tưởng, hàng hóa và dịch vụ di chuyển ngày càng nhanh hơn qua các biên giới – là điều giúp bạn trở thành tầng lớp trung lưu toàn cầu trong 50 năm qua. Đó là câu chuyện hay nhất hiện có”, Bremmer nói.
Các số liệu thống kê cho thấy, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực trên toàn cầu đã giảm mạnh trong những thập kỷ gần đây, khả năng tiếp cận với điện, nước sạch và thực phẩm bổ dưỡng cũng tăng lên. “Toàn cầu hóa đã giúp hàng triệu triệu người thoát khỏi đói nghèo”, Schwab nói.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận những giới hạn của nó. Có những vấn đề mang tính hệ thống, ngay cả ở những nước giàu có nhất. “Rõ ràng là có rất nhiều vấn đề ở các nền kinh tế phương Tây, từ việc không đầu tư vào giáo dục, chi phí chăm sóc sức khỏe, đến việc thiếu cơ sở hạ tầng”, Dambisa Moyo, Một nhà kinh tế người Zambia đánh giá.
Tuy nhiên, Nga bị cấm vận, Trung Quốc bị cô lập và viễn cảnh toàn cầu trở nên bất ổn hơn phía trước, WEF trên thực tế không còn là một diễn đàn cho toàn thế giới.