Hôm qua, ngày 27/05/2022, một cuộc họp bất thường đã diễn ra, Ngân hàng Trung ương Nga đã ra thông báo hạ lãi suất từ 14% xuống 11%.
“Áp lực lạm phát đã dịu lại nhờ giá ruble tăng cũng như lạm phát dự báo với các gia đình, doanh nghiệp giảm rõ rệt”, Ngân hàng Trung ương Nga đã thông báo. Lạm phát được dự báo về 5% – 7% năm nay, giảm mạnh so với 17,5% tháng này.
Ngân hàng Trung ương Nga thông báo rằng họ có thể sẽ tiếp tục giảm lãi suất xuống. Lãi suất của nước này từng lên 20% sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2. Đây là động thái nhằm ngăn các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra khủng hoảng tài chính tại Nga.
Ruble gần đây tăng giá nhờ nguồn thu từ dầu mỏ, khí đốt tăng mạnh và sự hỗ trợ của chính phủ. Việc này đã giảm phần nào sức ép lên kinh tế Nga.
Có thời điểm, đồng Ruble xuống tới 135 ruble đổi một USD do một nửa khối dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng. Hàng trăm công ty đa quốc gia đã rời nước này. Nga cũng bị cấm tiếp cận nhiều công nghệ, dịch vụ của phương Tây.
Tuy nhiên, nội tệ Nga sau đó mạnh dần lên và đang thuộc nhóm diễn biến tốt nhất thế giới năm nay, theo Reuters. Nguyên nhân là chính sách siết chặt kiểm soát vốn của chính phủ Nga và giá nhiên liệu toàn cầu tăng. Một đôla hiện đổi được 62 ruble.
Nỗ lực của phương Tây nhằm kìm hãm xuất khẩu năng lượng Nga hiện cũng chưa có nhiều tiến triển. Giá dầu và khí đốt tăng và thậm chí đang có lợi cho Kremlin.
“Mấu chốt là nguồn thu lớn từ dầu mỏ, khí đốt đang giúp các nhà hoạch định chính sách rút lại biện pháp hỗ trợ kinh tế khẩn cấp”, William Jackson – nhà kinh tế học tại Capital Economics – cho biết, “Trên cơ sở đó, việc nới kiểm soát vốn và hạ lãi suất thêm có vẻ khả thi”.
Vài năm qua, Nga đã xây “pháo đài kinh tế” để chống chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây, tích lũy khối dự trữ lớn để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Hôm 25/5, Nga thông báo tăng 10% lương hưu và lương tối thiểu để hỗ trợ người dân trong lạm phát.