Xăng dầu liên tục tạo ra các đỉnh giá cáo nhất khiến các nước phải tìm cách giảm đà tăng của chúng bằng cách giảm thuế hoặc xả kho dự trữ.
Tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine cùng với tác động lan truyền của sự kiện trên đã dẫn đến việc giá dầu thế giới tăng vọt lên. Để đối phó với sự tăng giá đó, chính phủ của nhiều nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ để chia sẻ gánh nặng chi phí, tài chính với người dân. Hồi 30/05/2022, giá dầu thô Brent lên trên 120 USD một thùng sau khi Liên minh châu Âu (EU) thông báo cấm nhập 90% dầu Nga.
Giá xăng trung bình tại Mỹ hồi 31/05/2022 vì thế cũng lên kỷ lục, với 4,62 USD/gallon (3,78 lít), tăng 52% so với năm ngoái. Người dân tại 7 bang của Mỹ đang phải trả ít nhất 5 USD cho mỗi gallon xăng. Giá ở California thậm chí lên tới hơn 6 USD. Áp lực lạm phát có thể siết tiêu dùng rất nhanh và khiến tăng trưởng của Mỹ chững lại.
“Giá xăng thường tác động lớn lên tâm lý tiêu dùng và được coi là hàn thử biểu cho lạm phát trong tương lai”, Jeffrey Roach – nhà kinh tế học tại LPL Financial nhận xét trên Washington Post, thêm rằng “Đặc biệt là trong thời điểm mở cửa trở lại, nhu cầu di chuyển được dự báo tăng đột biến, giá xăng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch lái xe. Còn giá dầu nhìn chung sẽ tác động đến vé máy bay”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm mọi cách để giảm giá xăng. Nước này đã xả kho dự trữ dầu quốc gia, tìm thêm nguồn cung mới… nhưng giá xăng vẫn chưa thể hạ nhiệt. Trong một bài đăng trên Wall Street Journal hôm 31/5, ông Biden viết chính quyền cần giảm thiểu ảnh hưởng của giá xăng tăng, đồng thời thúc giục Quốc hội Mỹ chấp thuận các đề xuất của ông về giảm thuế và đầu tư cho năng lượng sạch.
Giá xăng tại Hàn Quốc hồi 30/05/2022 tăng lên 2.012 won (1,6 USD) một lít, tiến sát đỉnh lịch sử năm 2011. Tại Seoul, giá xăng là 2.088 won một lít, còn dầu diesel là 2.066 won, theo Korea JoongAng Daily.
Thuế nhiên liệu tại Hàn Quốc đã giảm 30% từ ngày 1/5, thay vì 20% như kế hoạch. Trước đó, nước này chỉ dự định giảm thuế với xăng, dầu diesel và khí hoá lỏng (LPG) trong 6 tháng, đến hết tháng 4. Nhưng sau đó, họ phải gia hạn thêm 3 tháng, tới cuối tháng 7. Nước này cũng bỏ ngỏ khả năng tăng thêm mức giảm thuế nếu giá vẫn đà đi lên.
Với việc giá dầu diesel lần đầu tiên vượt 2.000 won một lít, chính phủ Hàn Quốc đầu tháng này thông báo kế hoạch hỗ trợ cho những người bị tăng chi phí sinh hoạt do giá nhiên liệu cao.
Chính phủ Nam Phi hôm 31/05/2022 cũng công bố hàng loạt biện pháp để hãm đà tăng thẳng đứng của giá nhiên liệu trong nước. Họ gia hạn chính sách giảm thuế xăng dầu hiện ở mức 1,5 rand (0,1 USD) một lít cho đến đầu tháng 7. Chính sách này được công bố hồi tháng 3. Việc gia hạn sẽ khiến ngân sách của Nam Phi thất thu 4,5 tỷ rand (288 triệu USD), Reuters cho hay.
Từ tháng 6, Bộ Năng lượng nước này cũng sẽ bỏ một khoản thuế quản lý hiện ở mức 0,1 rand một lít, áp dụng với xăng 95. Họ cũng đang đề xuất giảm giá nhiên liệu cơ bản thêm 0,03 rand một lít trong những tháng tới.
Dù vậy, kể cả khi áp dụng các biện pháp mới, Nam Phi cho biết giá xăng vẫn sẽ tăng thêm 2,4 rand một lít từ tháng 6, còn giá dầu diesel tăng 1,1 rand. Giá nhiên liệu tại nước này được điều chỉnh hàng tháng, theo giá dầu thế giới và tỷ giá đồng rand.