Thời gian vừa qua, vấn đề xung đột giữa Nga – Ukraine và dịch Covid ở Trung Quốc khiến giá dầu chạm đỉnh 14 năm, nguồn cung bị thắt chặt và giá xăng dầu biến động không ngừng nghỉ.
Contents
6 tháng đầu năm, giá dầu thô đầy biến động
Tại thời điểm Nga – Ukraine xung đột, giá dầu thô trên thế giới bắt đầu những đợt biến động lớn từ trước đến nay.
Cuối năm ngoái, giá dầu đã nhấp nhỏm tăng bởi vì nhu cầu hồi phục gần mức tiền đại dịch và nguồn cung không theo kịp. Giữa tháng 1, những tin đồn về Nga sẽ mở chiến dịch quân sự tại Ukraine như một đòn bẩy góp phần kéo giá lên cao.
Dầu Brent khởi đầu năm ở 78 USD. Đến ngày 24/2, khi xung đột quân sự Nga – Ukraine chính thức nổ ra, giá đã tiến sát 100 USD.
Thị trường sau đó bắt đầu tăng thẳng đứng, có thời điểm tăng 18% chỉ trong vài phút, lên 139 USD một thùng phiên 7/3 do thông tin Mỹ sắp cấm nhập dầu Nga. Đây là mức giá cao nhất kể từ năm 2008.
Goldman Sachs dự báo giá dầu Brent trung bình trong quý III năm nay sẽ lên 140 USD. Còn giá trung bình trong nửa cuối năm và quý đầu năm sau là 135 USD một thùng. Nguyên nhân là dự trữ dầu toàn cầu, sản xuất của OPEC và năng lực lọc dầu hiện rất thấp.
Giá xăng nhiều nơi trên thế giới không ngừng tăng
Giá dầu tăng kỷ lục khiến giá xăng cũng trở thành tâm điểm nóng trên toàn cầu. Cuộc sống của người dân đảo lộn khi giá xăng liên tiếp tăng không ngừng nghỉ.
Giá trung bình tại Mỹ hiện vượt 5 USD một gallon, cao nhất đến nay. Tuy nhiên, mức giá này chỉ nằm ở khoảng giữa trên thế giới.
Các nước châu Âu thống trị có giá xăng cao nhất. Ở Tây Âu, người dân mua xăng với giá từ 6 USD một gallon (3,78 lít) trở lên. Các nước dẫn đầu là Iceland, Phần Lan, Hy Lạp, Đan Mạch và Na Uy.
Sau châu Âu, Đông Á là nơi thứ hai có giá xăng dầu biến động tăng. Giá tại Ấn Độ, Trung Quốc hay Thái Lan là những nước tiêu thụ dầu lớn nhưng lại không sản xuất được nhiều dầu – dao động từ 1,4 đến 1,6 USD một lít.
Ngược lại, những quốc gia thuộc nhóm sản xuất dầu lớn lại bán xăng cho người dân của họ với giá rẻ hơn cả nước đóng chai, như Venezuela, Libya, Iran. Mỗi lít xăng ở đây chỉ có giá 0,02 – 0,05 USD.
Có thể thấy, giá xăng tăng tấc động không nhỏ đến tâm lý người tiêu dùng. Chính phủ một số nước quyết định chọn cách bình ổn thị trường bằng việc trợ giá, như Iran, Saudi Arabia, Malaysia…
Ví dụ, giá xăng tại Malaysia hiện vào khoảng 13.000 đồng một lít, nhờ được Chính phủ nước này trợ giá. Nước này không đánh thuế với xăng dầu tiêu thụ nội địa, bán cho người bản địa.
Trong khi đó, nhiều nước chọn cách xả kho dự trữ hoặc giảm thuế để hạ nhiệt giá nhiên liệu. Mỹ đã xả kho dự trữ dầu từ tháng 4, với tốc độ một triệu thùng mỗi ngày.
Hàn Quốc chọn cách giảm thuế nhiên liệu dài hạn, đồng thời liên tục nâng mức giảm thuế trong vài tháng qua, từ 20% lên 30% hồi tháng 5 và lên 37% hôm 19/6.