Ngành sản xuất của Mỹ có nguy cơ gặp khó khăn khi USD mạnh lên, điều này góp phần tạo điều kiện cho hàng nước ngoài nhập khẩu vào.
Giá trị tăng vọt của USD so với euro, yen Nhật, bảng Anh và các loại tiền tệ khác đang khiến hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn. Tuy nhiên, hàng hóa do Mỹ sản xuất trở nên đắt hơn với người mua nước ngoài. Với các nhà sản xuất Mỹ có nhà máy ở nước ngoài, doanh số bán hàng bằng ngoại tệ của họ hiện cũng có giá trị thấp hơn do tỷ giá hối đoái không thuận lợi.
Những người ủng hộ cho ngành sản xuất của Mỹ lo lắng rằng các nhà sản xuất sẽ ít sẵn sàng đầu tư hơn vào các hoạt động trong nước nếu lợi nhuận bị suy giảm bởi USD mạnh hơn. Đồng thời, các công ty nước ngoài sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc bán sản phẩm của họ cho người mua ở Mỹ.
“Nó có tác động làm suy yếu các công ty Mỹ”, Harry Moser, Chủ tịch Reshoring Initiative – nhóm cố vấn cho các công ty quan tâm đến việc hồi hương sản xuất, nhận định.
Theo dữ liệu của Trading Economics, Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – đã hồi phục lên mức trên 113 điểm hôm 10/10, sau khi suy yếu xuống mức thấp nhất trong hơn hai tuần vào hôm 5/10 là dưới mốc 110.