Bảo hiểm hưu trí là một trong những sản phẩm bảo hiểm được nhiều người quan tâm với mục đích chuẩn bị cho mình một sự bảo vệ về sức khỏe và tài chính khi về hưu. Trong bài viết dưới đây, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bảo hiểm hưu trí cũng như một số quy định về nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí nhé!
Contents
Bảo hiểm hưu trí là gì?
Bảo hiểm hưu trí là nghiệp vụ bảo hiểm dành cho trường hợp người được bảo hiểm bước vào độ tuổi hưu trí. Đây là một sản phẩm bảo hiểm của công ty bảo hiểm nhân thọ cung cấp.
Bảo hiểm hưu trí giúp người hết tuổi lao động có được nguồn thu nhập hàng tháng ổn định, đảm bảo tài chính khi về hưu. Có hai loại bảo hiểm hưu trí là:
- Bảo hiểm hưu trí cho cá nhân
- Bảo hiểm hưu trí cho nhóm người lao động
Người được bảo hiểm sẽ được nhân quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đến tuổi nghỉ hưu theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, độ tuổi được quy định sẽ không dưới 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Đối với các trường hợp khác được pháp luật quy định về tuổi nghỉ hưu thì tuân theo các quy định đó.
Các quy định về độ tuổi nghỉ hưu được quy định trong Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 như sau:
- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
- Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Vậy, có thể hiểu bảo hiểm hưu trí là một loại bảo hiểm nhân thọ, bổ sung thu nhập và đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi đến độ tuổi nghỉ hưu.
- Sự thật về bảo hiểm nhân thọ
- Các công ty bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam
- Tiêu chí lựa chọn khi mua bảo hiểm sức khỏe
- Bảo hiểm khoản vay là gì? Có bắt buộc phải mua hay không?
- Bảo hiểm sinh kỳ – Những thông tin quan trọng cần biết
- Bảo hiểm hàng không là gì? Có cần thiết phải mua hay không?
- Những điều cần biết về bảo hiểm du lịch
Các quy định về quyền lợi của bảo hiểm hưu trí
Theo Thông tư 115/2013/TT-BTC, người tham gia bảo hiểm hưu trí sẽ được hưởng các quyền lợi:
Quyền lợi hưu trí định kỳ
- Quyền lợi hưu trí được chi trả định kỳ đến khi người được bảo hiểm tử vong hoặc tối thiểu 15 (mười lăm) năm, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
- Doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận về mức hưởng quyền lợi hưu trí mỗi kỳ, số kỳ nhận quyền lợi hưu trí;
- Tính lãi tích lũy từ phần quyền lợi hưu trí chưa chi trả cho bên mua bảo hiểm, nhưng không thấp hơn lãi suất đầu tư cam kết tối thiểu thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Quyền lợi bảo hiểm rủi ro
Doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp trong thời hạn đóng phí bảo hiểm và có thể tiếp tục cung cấp quyền lợi này trong thời gian nhận quyền lợi hưu trí, tùy theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm. Quyền lợi bảo hiểm rủi ro bao gồm tối thiểu các quyền lợi sau:
- Quyền lợi trợ cấp mai táng:
Khi nhận được yêu cầu thanh toán quyền lợi bảo hiểm tử vong, bất kể thuộc phạm vi bảo hiểm hay không, doanh nghiệp bảo hiểm phải chi trả ngay khoản trợ cấp mai táng cho người thụ hưởng số tiền theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
- Quyền lợi bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn:
Khi người được bảo hiểm tử vong hoặc thương tật toàn bộ vĩnh viễn thuộc phạm vi bảo hiểm và trong thời hạn quy định, doanh nghiệp bảo hiểm chi trả cho người thụ hưởng số tiền bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
Bên mua bảo hiểm được lựa chọn số tiền bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm và được điều chỉnh số tiền bảo hiểm trong thời gian hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Bên cạnh các quyền lợi cơ bản kể trên, người tham gia bảo hiểm hưu trí còn được hưởng các quyền lợi khác tùy thuộc vào các thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm như:
- Quyền lợi điều chỉnh mức hưởng quyền lợi hưu trí định kỳ;
- Quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp;
- Quyền lợi chăm sóc y tế;
- Quyền lợi hỗ trợ nằm viện;
- Quyền lợi bảo hiểm cho người phụ thuộc;
- Quyền lợi bảo hiểm bệnh hiểm nghèo;
- Quyền lợi bổ trợ khác theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.
Phương thức đóng phí bảo hiểm đối với các quyền lợi bảo hiểm bảo trợ sẽ được thỏa thuận trong lúc giao kết hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép khấu trừ phí bảo hiểm của các quyền lợi bổ trợ từ giá trị của tài khoản bảo hiểm hưu trí.
Các quy định về phí bảo hiểm hưu trí
Quy định về phí bảo hiểm hưu trí
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 115/2013/TT-BTC, phí bảo hiểm là khoản đóng góp vào quỹ hưu trí tự nguyện định kỳ hoặc một lần theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm hưu trí.
Phí bảo hiểm đóng thêm là phần đóng góp ngoài phần phí bảo hiểm định kỳ hoặc một lần đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm, để đầu tư vào quỹ hưu trí tự nguyện.
Quy định về khấu trừ phí bảo hiểm hưu trí
Công ty bảo hiểm sẽ được khấu trừ các khoản phí sau:
- Phí khấu trừ từ phí bảo hiểm thu được, trước khi phân bổ vào tài khoản bảo hiểm hưu trí:
Phí ban đầu là khoản phí dùng để trang trải chi phí phát hành hợp đồng bảo hiểm, chi phí thẩm định bảo hiểm, chi phí kiểm tra y tế, chi hoa hồng đại lý và chi phí khác.
- Các loại phí khấu trừ từ tài khoản bảo hiểm hưu trí:
-
- Phí bảo hiểm rủi ro là khoản phí đối với quyền lợi bảo hiểm rủi ro theo cam kết tại hợp đồng bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động lựa chọn bảng tỷ lệ tử vong và bảng tỷ lệ thương tật toàn bộ vĩnh viễn để tính phí bảo hiểm rủi ro. Trong mọi trường hợp, tỷ lệ tử vong áp dụng không cao hơn quy định tại bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 và tỷ lệ thương tật toàn bộ vĩnh viễn không cao hơn 10% bảng tỷ lệ tử vong CSO 1980 quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này;
- Phí quản lý hợp đồng bảo hiểm là khoản phí để bù đắp chi phí liên quan đến việc duy trì hợp đồng bảo hiểm và cung cấp thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm;
- Phí quản lý quỹ được dùng để chi trả cho các hoạt động quản lý quỹ hưu trí tự nguyện và tối đa không quá 2% giá trị tài sản đầu tư của quỹ trong năm;
- Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí là khoản phí bên mua bảo hiểm phải trả cho doanh nghiệp bảo hiểm hiện đang quản lý tài khoản bảo hiểm hưu trí khi thực hiện chuyển giao tài khoản bảo hiểm hưu trí sang doanh nghiệp bảo hiểm mới.
- Phí chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí tối đa không quá 5% giá trị tài khoản chuyển giao đối với hợp đồng bảo hiểm năm đầu tiên, năm thứ 02 (hai) không quá 4%, năm thứ 03 (ba) không quá 3%, năm thứ 04 (tư) không quá 2% và từ năm thứ 05 (năm) trở đi không quá 1%;
- Các loại phí khác (nếu có) phải được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản.
Doanh nghiệp bảo hiểm phải tính toán chính xác, công bằng và hợp lý các khoản phí nêu trên, phù hợp với sản phẩm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn và thông báo cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm hưu trí.
Hợp đồng bảo hiểm hưu trí phải quy định rõ các khoản phí tối đa áp dụng cho bên mua bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải công khai rõ ràng, đầy đủ các loại phí, cách xác định và tỷ lệ các khoản phí áp dụng cho bên mua bảo hiểm trong các tài liệu giới thiệu sản phẩm và tài liệu minh họa bán hàng.
Các quy định về hợp đồng bảo hiểm hưu trí
Người tham gia bảo hiểm hưu trí phải ký hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm. Các hợp đồng bảo hiểm hưu trí này phải tuân theo các quy định của pháp luật và có đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật. Cụ thể:
- Các khoản phí bảo hiểm đóng góp của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm;
- Thời hạn hợp đồng bảo hiểm hưu trí bao gồm thời hạn đóng phí, tích lũy các khoản phí bảo hiểm và thời gian nhận quyền lợi bảo hiểm cơ bản;
- Trách nhiệm của các bên có liên quan trong trường hợp tham gia bảo hiểm hưu trí nhóm;
- Các lựa chọn và quyền lợi của người được bảo hiểm trong trường hợp tham gia hợp đồng bảo hiểm hưu trí nhóm;
- Tỷ lệ, số tiền cụ thể, mức tối đa và cách thức tính toán các khoản phí liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hưu trí;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên theo quy định pháp luật;
- Đính kèm bảng minh họa quyền lợi hưu trí tại hợp đồng bảo hiểm;
- Quy định quyền chuyển tài khoản bảo hiểm hưu trí theo quy định.
Trong thời gian thực hiện hợp đồng, công ty bảo hiểm có nghĩa vụ phải thông báo về tình trạng của hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể:
- Thông báo về tài khoản bảo hiểm hưu trí:
Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính hoặc năm hợp đồng, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc thư điện tử cho người được bảo hiểm về tình trạng của hợp đồng bảo hiểm hưu trí theo mẫu tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này.
- Thông báo về kết quả hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện:
Trong thời hạn 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải thông báo bằng văn bản cho bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm về các nội dung sau:
- Thông tin tóm tắt về tình hình hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện theo mẫu quy định
- Tình hình hoạt động của quỹ hưu trí tự nguyện trong 05 (năm) năm gần nhất hoặc thời gian tồn tại thực tế của quỹ nếu thời gian hoạt động của quỹ chưa đủ 05 (năm) năm;
- Chi tiết về các quyền lợi đầu tư đã chia và dự kiến sẽ phân bổ vào tài khoản bảo hiểm hưu trí trong năm báo cáo;
- Xác nhận của công ty kiểm toán độc lập về những thông tin nói trên.
Lời kết
Trên đây là một số thông tin về bảo hiểm hưu trí cũng như một số quy định mà mọi người cần nắm để có thể hiểu rõ về bảo hiểm hưu trí. Rất mong bài viết này có thể mang đến những thông tin hữu ích cho mọi người. Chúc mọi người lựa chọn được gói bảo hiểm phù hợp nhất.