Chỉ số GNP là một trong những chỉ số quan trọng giúp các chuyên gia và các nhà phân tích đánh giá được tình trạng của nền kinh tế của một nước. Vậy chỉ GNP là gì? Cách tính GNP như thế nào? GNP khác GDP ở điểm nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi trên.
Contents
Chỉ số GNP là gì?
GNP (Gross National Product), chỉ số tổng sản phẩm quốc dân. Chỉ số này được dùng để đo lường tổng giá trị của mọi loại hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được quy đổi ra tiền do công dân của 1 nước làm ra ( ở cả trong và ngoài nước) trong một thời gian nhất định (thường là 1 năm).
Ví dụ: Công dân Việt Nam xây dựng nhà máy tại Campuchia, vậy lợi nhuận sau thuế của nhà máy sẽ là một phần Tổng sản phẩm quốc dân – GNP của Việt Nam. Ngoài ra, lương của các người lao động là người Việt làm việc cho nhà máy tại Campuchia đó cũng tính vào GNP của Việt Nam.
Bản chất của chỉ số GNP
Bản chất của chỉ số GNP được thể hiện qua:
- GNP quy đổi tất cả các giá trị sản phẩm thành giá trị kinh tế của nó rồi cộng tổng nó lại với nhau. Chỉ số GNP dùng giá trị thị trường để chuyển đổi vì giá trị của hàng hóa trên thị trường phản ánh rõ nhất giá trị của nó.
- Tất cả các hàng hóa, sản phẩm được sản xuất ra trong nền kinh tế và được lưu hành hợp pháp trên thị trường đều được GNP biểu thị. Tuy nhiên, những sản phẩm được tạo ra và mua bán trong nền kinh tế ngầm thì GNP không thể biểu thị.
- Các loại hàng hóa được GNP biểu thị gồm: Hàng hóa hữu hình: thức ăn, quần áo, giày dép, bất động sản,… Dịch vụ vô hình: Khám chữa bệnh, các hoạt động vui chơi giải trí,…
- GNP chỉ tính giá trị của các hàng hóa và dịch vụ cuối cùng, giá trị của các sản phẩm, dịch vụ trung gian sẽ không được tính vào. Tuy nhiên, nếu sản phẩm trung gian không được đưa vào dùng trong sản xuất mà nhập kho thành hàng tồn kho có dự định bán thì sản phẩm trung gian đó sẽ được tính là sản phẩm cuối cùng. Vì vậy, giá trị của nó vẫn được tính vào GNP.
- GNP chỉ tính giá trị của các mặt hàng, sản phẩm, dịch vụ được sản xuất ở năm hiện tại. Các sản phẩm hoặc dịch vụ liên quan đến sản phẩm được sản xuất ở năm trước (hàng tồn kho từ năm trước) không được tính vào GNP.
- Bất kể là hoạt động kinh doanh ở đâu trên thế giới, chỉ cần có sự tham gia, góp mặt của yếu tố sản xuất đến từ quốc gia A nào đó thì kết quả hoạt động cuối cùng cũng sẽ là một phần trong GNP của quốc gia A.
- Thông qua GNP, các nhà phân tích có thể biết được giá trị sản xuất của 1 nước trong 1 năm hoặc 1 quý. Đồng thời, GNP cũng cho biết mức chi tiêu và thu nhập của người dân một nước trong 1 thời kỳ (1 năm hoặc 1 quý).
Hai loại chỉ số GNP
GNP được chia thành 2 loại là GNP thực và GNP danh nghĩa để xác định các sản phẩm được tiêu thụ và tìm ra công thức tính chỉ số GNP chính xác nhất.
GNP danh nghĩa – GNPn
Là chỉ số dùng để đo lường và tính tổng giá trị sản phẩm quốc dân được sản xuất trong 1 thời kỳ xác định. Giá trị của các sản phẩm đều được tính theo giá cả trên thị trường. Các nhà phân tích thường sử dụng GNPn để xem xét mối quan hệ tài chính – ngân hàng.
GNP thực – GNPr
Là thước đo tổng sản phẩm cuối cùng được sản xuất và đưa ra thị trường trong 1 thời kỳ xác định. Giá trị của sản phẩm được tính trong chỉ số là giá cố định đã được chọn. Vì vậy, GNPr sẽ được các chuyên gia dùng để nghiên cứu và đánh giá tốc độ tăng trưởng về kinh tế của một đất nước.
Công thức tính chỉ số GNP
Tính theo GDP
Ở cách tính này, GNP sẽ được tính theo GDP:
GNP = GDP + Nguồn thu nhập ròng từ nước ngoài
Trong đó:
Nguồn thu nhập ròng từ nước ngoài = Thu nhập từ yếu tố xuất khẩu – Yếu tố nhập khẩu
Công thức này được tính dựa theo khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập trong nước và từ nước ngoài.
Ví dụ: Chỉ số GDP của một nước là 300 tỷ USD, thu nhập ròng từ nước ngoài là 80 tỷ USD. Vậy, GNP của nước này là:
GNP = 300 + 80 = 380 tỷ USD.
Tính trực tiếp
Với cách này, chỉ số GNP sẽ được tính bằng cách cộng tổng tất cả các chỉ số lại với nhau:
GNP = (X – M) + NR + C+ I + G
Trong đó:
- X: Sản lượng kim ngạch xuất khẩu ròng về dịch vụ và hàng hóa
- M: Sản lượng kim ngạch xuất nhập khẩu ròng về dịch vụ và hàng hóa
- NR: Nguồn thu nhập ròng từ các tài sản được tiêu thụ ở các quốc gia khác
- C: Chi phí tiêu dùng của cá nhân
- I: Tổng mức đầu tư cá nhân trong một quốc gia
- G: Chi phí Nhà Nước sử dụng để tiêu dùng
Mối quan hệ giữa chỉ số GNP và GDP
Chỉ cần nghe đến tên gọi của hai chỉ số GNP và GDP là đã hình dung ra được mối quan hệ của chúng. GDP là tổng sản phẩm nội địa và phản ánh hiện trạng kinh tế của một nước trong một thời kỳ. Trong khi đó, GNP là tổng sản phẩm quốc dân và phản ánh tình trạng “sức khỏe” thật sự của kinh tế của một nước.
Khi đánh giá tiềm năng tăng trưởng và sức khỏe kinh tế của các quốc gia, các chuyên gia và nhà phân tích sẽ dùng cả GNP và GDP để đánh giá:
- GDP > GNP: Sức khỏe của nền kinh tế chưa ổn định, còn yếu.
- GDP < GNP: Quốc gia có tiềm năng tăng trưởng tốt, sức khỏe kinh tế tốt và ổn định.
Xem thêm: Chỉ số GDP là gì?
Phân biệt chỉ số GNP và chỉ số GDP
- GDP là tổng sản phẩm quốc nội. Là tổng thu nhập kiếm được trong nước. Chỉ số này bao gồm thu nhập của người nước ngoài kiếm được trong nước nhưng không gồm thu thập của công dân nước đó kiếm được ở nước ngoài.
- GNP là tổng sản phẩm quốc dân. Là tổng thu nhập của người dân trong một nước kiếm được. Hay nói cách khác là tổng thu nhập của công dân một nước kiếm được. Chỉ số này bao gồm thu nhập của công dân nước đó kiếm được ở nước ngoài nhưng không bao gồm thu nhập của người nước ngoài làm ra được trong nước.
Tầm quan trọng của chỉ số GNP
Chỉ số GNP cho biết được thu nhập thực tế của một nước. Nó được dùng để đo lường và đánh giá nền kinh tế của một nước có phát triển tốt hay không.
Thông qua GNP, các chuyên gia hay nhà phân tích sẽ nhìn thấy được quy mô thu nhập và mức sống của người dân của một nước. Khi nghiên cứu GNP thực – GNPr sẽ thấy được tốc độ tăng thêm của thu nhập và mức sống của người dân có được cải thiện hay không trong một khoảng thời gian.
Nếu tốc độ tăng trưởng GNP thực tế thấp hơn tốc độ tăng của dân số thì điều đó đồng nghĩa với mức thu nhập bình quân đầu người của quốc gia đó sẽ giảm.
Hạn chế của chỉ số GNP
Chỉ số GNP vẫn bỏ sót một số yếu tố của thị trường như: Sản phẩm bán trong nền kinh tế ngầm hay các loại hàng hóa tự cung tự cấp (rau củ quả trong vườn…)
Nếu một công dân có 2 quốc tịch thì thành quả lao động của người đó sẽ được tính vào GNP của cả 2 nước. Khi tính GNP của toàn cầu thì kết quả sản xuất của công dân đó được nhân đôi. Vì vậy, GNP vẫn chưa phản ánh được tổng sản phẩm quốc dân của 1 nước 1 cách rõ ràng và chính xác.
Hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp có quy mô hoạt động trải rộng trên toàn thế giới. Điều này làm cho mạng lưới của thương mại quốc tế trở nên phức tạp và rắc rối hơn. Vì vậy, việc so sánh nền kinh tế của các nước với nhau bằng cách so sánh chỉ số GNP của sẽ khó khăn hơn và cho kết quả không chính xác.
Trên đây là thông tin về chỉ số GNP cùng với cách tính và ứng dụng của nó. Rất mong bài viết này có thể cung cấp một số thông tin hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!