Pháp và Ba Lan muốn áp trần giá khí đốt Nga. Tuy nhiên, đề xuất này đang vấp phải sự phản đối từ Đức – nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đang vận động kế hoạch áp trần giá khí đốt nhập khẩu từ Nga nhằm hạn chế nguồn thu của Điện Kremlin và giúp kiềm chế giá khí đốt tăng cao trên khắp châu lục.
Tuy nhiên, ý tưởng này đang vấp phải sự phản đối từ Đức – nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất EU. “Chúng tôi vẫn ngờ vực các vấn đề xung quanh việc áp trần giá khí đốt. Nhưng nhìn chung chúng tôi sẵn sàng cho các cuộc đàm phán trong khuôn khổ châu Âu”, người phát ngôn của Bộ Kinh tế Đức cho biết.
Đáp lại, một nhà ngoại giao EU đã chỉ trích Đức gây rắc rối vì đã “khiến họ mất nhiều thời gian để ra quyết định cho những việc như áp giá trần”.
Tuần trước, bà Von der Leyen đã kêu gọi áp giá trần với khí đốt nhập khẩu của Nga. Giới chức EU kể từ đó đã chuẩn bị các phương án để triển khai. Đại diện các nước thành viên có một cuộc thảo luận hôm 7/9, trước khi các bộ trưởng năng lượng họp khẩn cấp vào ngày 9/9.
Hôm 5/9, Pháp trở thành nước đầu tiên ủng hộ kế hoạch của Brussels. Ba Lan cho biết cũng muốn có một mức trần giá khí đốt và mở rộng biện pháp này với tất cả hoạt động nhập khẩu khí đốt vào châu Âu.
Tuy nhiên, chính phủ Đức tỏ ra miễn cưỡng. Berlin cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Moskva dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Các nước này nhận khí đốt Nga qua đường ống xuyên Ukraine hoặc đường ống phía nam TurkStream.