Trong phiên đầu tuần, dầu giảm bởi nhu cầu đi lại giảm trong tháng trọng điểm giao thông, du lịch, khiến tâm lý các nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Phiên giao dịch sáng nay (4/7 theo giờ Việt Nam), giá dầu WTI giảm 0,89 USD/thùng tương ứng 0,82% xuống mức 107,54 USD/thùng; Dầu Brent giảm 0,80 USD/thùng tương ứng 0,72% xuống mức 110,83 USD/thùng.
Dù có nhiều thông tin hỗ trợ đà tăng của giá dầu, song tâm lý lo ngại khi nhu cầu giảm đã tạo tâm lý bán tháo khiến thị trường phủ sắc đỏ ngay đầu tuần.
Hiện thông tin các nước thuộc khối G7 đề nghị thiết lập mức trần giá cho dầu nhập khẩu từ Nga gây ra lo ngại về việc Nga sẽ tiến hành “trả đũa”, giống như việc nước này đã giảm lượng khí vận chuyển cho châu Âu.
Mặc dù Nga chưa đưa ra biện pháp cụ thể nào để đáp trả, nhưng với việc Nga sản xuất đến gần 11 triệu thùng dầu/ngày, tương đương gần 11% nguồn cung dầu thế giới, các quyết định của Nga có thể tạo ra tác động lớn đến thị trường và có thể đẩy giá dầu tăng cao.
Bên cạnh đó, một loạt các sự cố tại Ecuador, Libya và mới đây nhất là hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu của Na Uy cũng là nguyên nhân hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu trong tuần vừa rồi. Hiện tại, nguồn cung dầu tương đương gần 2 triệu thùng/ngày đang bị gián đoạn, và là một yếu tố “bullish” lớn.
Ngoài ra, cuộc họp của OPEC+ trong tuần vừa rồi kết thúc không có thay đổi so với kế hoạch, với việc các quốc gia tiếp tục giữ nguyên quyết định tăng sản lượng 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và tháng 8, và không đưa thêm thông tin về chính sách của nhóm trong tháng 9.
Trong khi đó, 2 thành viên chủ chốt là Saudi Arabia và UAE được cho là cũng không còn nhiều năng lực sản xuất dự phòng, bất chấp các số liệu công bố chính thức. Điều này cho thấy triển vọng bổ sung sản lượng dầu trong thời gian tới là khá mong manh.
Hơn thế nữa, giàn khoan của Mỹ chỉ tăng 1 giàn trong tuần vừa rồi, cho thấy khả năng Mỹ có thể sớm tăng sản lượng là rất thấp, bất chấp sự thúc giục của chính phủ Mỹ…
Các nhà phân tích đánh giá, giá dầu thô còn giằng co mạnh và đà tăng bị kìm hãm do các lo ngại về suy thoái kinh tế, khi Việc một loạt các lãnh đạo Ngân hàng trung ương thế giới như Fed, BoE, ECB bày tỏ quan điểm sẽ cần tăng thêm lãi suất để kiểm soát lạm phát gây ra áp lực chung đến các tài sản tài chính.