Giữa bối cảnh thị trường tiền mã hóa lao dốc, giá Pi bất ngờ tăng mạnh đạt mốc 3 USD vào rạng sáng 27/2.
Trước đó, vào ngày 20/2, Pi Network chính thức được niêm yết trên một số sàn giao dịch tiền số quốc tế thu hút sự quan tâm lớn từ nhà đầu tư. Ngay khi lên sàn, giá đồng Pi biến động mạnh có thời điểm vượt 2 USD trước khi giảm sâu xuống 0,6 USD và sau đó ổn định ở mức 0,9 USD vào ngày 23/2.
Đến ngày 24/2, giá Pi tăng mạnh lên 1,3-1,5 USD và duy trì mức 1,5-1,6 USD trong những ngày tiếp theo.

Tối 26/2, giá đồng Pi bất ngờ tăng mạnh, vượt mốc 1,9 USD và nhanh chóng cán mốc 2 USD. Đến rạng sáng 27/2, Pi đạt mức cao nhất 3 USD trước khi dao động quanh 2,7 – 2,9 USD.
Điều đáng chú ý là giá Pi tăng bất chấp sự sụt giảm mạnh của thị trường tiền mã hóa. Trong khi Bitcoin lao dốc, có thời điểm chạm mức thấp nhất 82.256 USD và hiện dao động quanh 84.000 USD thì đồng Pi vẫn duy trì đà tăng đi ngược xu hướng thị trường.
Theo ông Trần Xuân Tiến – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Chi hội Blockchain TPHCM (HBA), sự khác biệt này xuất phát từ cộng đồng nhà đầu tư Pi. Sau khi Pi được niêm yết trên các sàn tiền số, nhiều người vẫn kỳ vọng giá sẽ tiếp tục tăng. Với một lượng lớn Pi bị khóa, áp lực bán giảm trong khi nhiều người đổ vào mua khiến giá ít biến động mạnh.
Một nhà đầu tư lâu năm cũng cho rằng cộng đồng Pi hoạt động khác biệt so với các đồng tiền mã hóa truyền thống. Không có các quỹ đầu tư lớn hậu thuẫn, giá Pi chủ yếu do cộng đồng tự giao dịch và tác động. Khi giá giảm, cộng đồng kêu gọi mua vào để đẩy giá lên dẫn đến những biến động mạnh trên sàn giao dịch.
Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo rủi ro khi giao dịch Pi. Sự thao túng giá có thể tạo cơ hội cho các “cá voi” gom Pi giá rẻ sau đó đẩy giá lên cao rồi bán ra ồ ạt khiến giá giảm mạnh. Những người ít kinh nghiệm chạy theo xu hướng có thể chịu thiệt hại lớn trở thành nguồn thanh khoản cho nhóm đầu cơ hưởng lợi.