Nền kinh tế của Mỹ đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố và chưa xác định được thời gian quay lại trạng thái ban đầu. Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu.
Trong một diễn đàn dành cho lãnh đạo các ngân hàng trung ương tại Bồ Đào Nha hôm 29/6, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết hiện chưa rõ liệu kinh tế Mỹ có thể quay về trạng thái tiền đại dịch hay không.
“Nền kinh tế đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau. Điều chúng ta không biết là liệu mình có thể quay về tình trạng tương tự, hoặc giống một chút, trước kia hay không”, Powell phát biểu trong một phiên thảo luận có Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey.
Các lãnh đạo đã bàn bạc về cách “các yếu tố mới” thay đổi cơ chế lạm phát và bối cảnh kinh tế toàn cầu. Sự thay đổi này có thể là vĩnh viễn.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ quay về thời lạm phát thấp tiền Covid”, bà Lagarde cho biết, nhấn mạnh chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine sẽ “thay đổi bức tranh và môi trường mà chúng ta đang vận hành”.
Cùng với việc đại dịch làm gián đoạn chuỗi cung ứng, Powell cũng khẳng định chiến dịch quân sự của Nga khiến sức ép lạm phát và lương thực “tăng chóng mặt”. Việc này khiến Fed càng khó khăn khi thực hiện vai trò ổn định giá cả và hỗ trợ thị trường lao động. “Đây là bài toán rất khác so với những gì chúng tôi đã làm trong 25 năm qua”, ông nói.
Cả ECB, Fed và BoE đều đang phải giải quyết lạm phát tại các nền kinh tế này. Fed đã nâng lãi suất nhiều lần năm nay để đối phó lạm phát tồi tệ nhất 40 năm. Đầu tháng này, họ lần đầu tiên nâng lãi suất thêm 0,75% kể từ năm 1994.
Dù ngày càng nhiều nhà phân tích và chuyên gia kinh tế lo ngại tăng lãi suất liên tiếp có thể đẩy nền kinh tế vào suy thoái trong 12 tháng tới, Powell tin tưởng kinh tế Mỹ đủ mạnh để vượt qua giai đoạn tăng trưởng chậm. Nguyên nhân là tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp đều đang ổn định.
Chủ tịch Fed cũng cảnh báo lạm phát cao kéo dài sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn là suy thoái. “Liệu tăng lãi suất quá mạnh tay có gây ra rủi ro nào không? Chắc chắn là có”, ông nói, “Nhưng tôi không cho rằng đó là rủi ro lớn nhất với nền kinh tế. Không ổn định được giá cả còn là sai lầm lớn hơn”.