Hiện tại các nước châu Á đang tiến hành tăng lãi suất, trợ giá tiêu dùng để ghìm lạm phát do chi phí năng lượng tăng cao.
Trong bối cảnh giá dầu biến động khó lường góp phần đẩy giá hàng hóa và lạm phát lên cao, nhiều nước châu Á đang triển khai các biện pháp ứng phó.
Tại Malaysia, lạm phát lương thực đang ở mức cao nhất trong 11 năm, khoảng 5,2%. Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob hôm 3-7 cho biết nước này sẽ chi khoảng 16 tỉ USD cho các khoản trợ cấp trong năm nay. Đây là gói hỗ trợ cao nhất trong lịch sử Malaysia.
Gói hỗ trợ lớn nhất từ trước đến nay của Malaysia với mục đích có thể kiềm chế giá xăng, dầu diesel, khí hóa lỏng, bột mì và điện tăng vọt trong thời gian vừa qua.
Tại Thái Lan, đất nước này cũng nhanh chóng tiến hành các biện pháp để kìm hãm lạm phát ở mức cao nhất trong 14 năm qua, vượt mốc 7% vào tháng 5.
Hàn Quốc là đất nước gánh chịu lạm phát nặng nề nhất trong 24 năm vừa qua. Lạm phát tháng 6 của Hàn Quốc tăng nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, làm dấy lên kỳ vọng Ngân hàng Trung ương nước này có thể tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tuần tới để hạ nhiệt giá và kiềm chế dòng vốn chảy ra ngoài.
Lạm phát tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng 5 cũng tăng lên 5,4%, với tỉ lệ tháng 6 dự kiến vượt mức 6%.
Những đợt tăng giá điện mới nhất cũng như tăng giá khí đốt tự nhiên được cho là một trong những nguyên nhân khác có thể làm tăng lạm phát. Ngoài ra, sự suy yếu của đồng nội tệ cũng có thể gây thêm áp lực lạm phát vì sẽ đẩy giá hàng nhập khẩu tăng cao. Đồng won hiện đã giảm hơn 8% so với đồng USD trong bối cảnh Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất.