Hai nước có thể trở thành khách hàng lớn của dầu Nga sau khi chịu các lệnh trừng phạt là Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, hai nước này vẫn chưa thực sự tích cực vì họ đang trông đợi một mức giá hời hơn.
Ngày 22/2 vừa quá, tức hai ngày trước khi quân Nga đổ bộ vào Ukraine, một con tàu mang màu cờ Đức chở trên mình 33.000 tấn dầu diesel đã rời cảng Primorsk (Nga). Đến ngày 3/3, tàu này đến cảng Tranmere (Anh). Tuy nhiên các công nhân ở cảng này đã từ chối dỡ hàng sau khi biết được nguồn gốc của nó đến từ Nga.
Những nơi khác của rộ lên những cuộc “tẩy chay” tương tự với hàng hóa của Nga. Theo thống kê của Kayrros – một công ty chuyên về dữ liệu, chỉ trong 2 tuần, ước tính lượng dầu của Nga đang lênh đênh trên mặt nước để tìm nơi tiếp nhận mới do các chủ cũ không chấp nhận mua nữa đã tăng lên 13%. Ngoài ra, số lượng tàu quay trở về Nga cũng tăng đột biến. Đây là hệ quả từ việc chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Phần lớn những số dầu được xuất khỏi Nga đều đã được mua và thanh toán trước ngày 24/2 – ngày Nga chính thức tấn công Ukraine. Nhiều khách hàng tạm dừng nhận dầu Nga do lo lắng về dư luận xấu, cac lệnh trừng phạt Nga cũng như những rắc rối về mặt hậu cần.
Vào ngày 24/3, số lượng dầu Nga xuất khẩu ở mức 2,3 triệu thùng/ngày. Trong khi số lượng dầu xuất khẩu đầu tháng 3 là khoảng 4,3 triệu thùng/ngày, theo Kpler. Trong lúc dầu Nga không thế xuất bán, giá dầu Brent đã tăng vọt, có lúc lên đến gần 120 USD.
Trong thời điểm này, đối với các quốc gia có thể sẵn sàng mạo hiểm và bỏ qua dư luận thì dầu Nga đang là một món rất hời cho họ. Một sự thay đổi lâu dài cho các mô hình thương mại trên toàn thế giới có thể được tạo ra trong thời điểm này.
Lệnh cấm vận đang áp dụng cho Nga có phần giống với sự kiện các nước phương Tây đã từng phong tỏa dầu mỏ của Iran vào năm 2010. Điều này làm cho Iran phải tìm các khe hở để luồn lách và xuất khẩu dầu ra ngoài.
Vào tháng 5 năm 2018, Hoa Kỳ đã đưa ra hàng loạt các lệnh trừng phạt nhằm chặn đứng Iran trong việc xuất khẩu dầu mỏ. Nhìn chung, cách làm này đã đạt được thành công như Mỹ mong muốn. Tính đến tháng 10/2019, lượng dầu Iran xuất khẩu mỗi ngày giảm từ 2,3 triệu thùng xuống chỉ còn khoảng 260.000 thùng. Tuy nhiên,cũng từ thời điểm đó, sản lượng dầu xuất khẩu dần hồi sinh, mỗi ngày Iran xuất được trung bình khoảng 850.000 thùng trong suốt ba tháng tính đến thời điểm tháng 2/2022.
Hai cách mà Iran đã xoay sở để có thể bán được dầu trong khi phải gánh các lệnh trừng phạt là bán ủy quyền có hạn chế và buôn lậu.
Đầu tiên là bán hàng theo dạng ủy quyền và có hạn chế. Khi áp đặt các lệnh trừng phạt, Mỹ đã miễn trừ có giới hạn cho tám nước. Tuy nhiên, khi Iran bán dầu cho các nước này thì doanh thu phải được thanh toán bằng đồng tiền của bên mua và được phép giữ lại trong tài khoản ký quỹ tại các ngân hàng địa phương. Hoặc số tiền đó sẽ được chi cho hàng hóa được sản xuất tại địa phương. Đối với Iran, đây là một điều mà nước này không hề trông đợi. Hồi tháng 12, họ đã phải nhận khoản thanh toán dầu có giá 251 triệu USD bằng chè từ Sri Lanka.
Thứ hai là buôn lậu. Iran sẽ cho các tàu chở dầu của mình đến các nước chống lại Hoa Kỳ như Venezuela, các bộ phát – đáp radar của các tàu này đã được tắt đi nhằm mục đích “tàng hình”. Ngoài ra, Iran cho sơn lại các tàu chở dầu của mình để che giấu nguồn gốc. Một số tàu khác sẽ hoạt động vào ban đêm và sử dụng quốc kỳ của các nước khác để qua mặt.
Một cựu quan chức tình báo đang làm việc tại Hội đồng Đại Tây Dương cho hay: Một số dầu mỏ của Iran cũng được các nhóm buôn lậu vận chuyển bằng được bộ. Các khách hàng mua tại Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE sẽ trả bằng vàng, các loại thuốc trừ sâu hay thậm chí cả các dự án nhà ở tại Tehran. Các thương nhân ở Dubai trộn dầu này với nguồn khác và đổi tên thành dầu Kuwait.
Tuy nhiên, với tình trạng cấm vận của Nga hiện tại thì họ không cần phải áp dụng các cách như Iran năm 2010. Mỹ chỉ ra quyết định cấm nhập khẩu dầu từ Nga nhưng nước này cũng không mua quá nhiều. Bên cạnh đó, Đức đã lên tiếng rằng họ sẽ giảm một nửa lượng dầu Nga họ mua vào, tuy nhiên vẫn chưa biết khi nào thì tuyên bố này sẽ được thực hiện.
Doanh số bán dầu thông qua các đường ống đã được xây dựng của Nga cũng đang tăng. Cụ thể là mỗi ngày nước này bán được khoảng 1 triệu thùng trong số tổng 7,9 triệu thùng. Ngoài ra cũng không có bất kỳ các lệnh trừng phạt thứ cấp nào được đưa ra.
Xuất khẩu dầu Nga bằng đường biển giảm là do các công ty năng lượng lớn lo ngại về các phản ứng tiêu cực của công chúng. Ngoài ra họ cũng đang phải đối mặt với các vấn đề tài chính và hậu cần vì các ngân hàng đang tiến hành cắt giảm tín dụng.
Trong khi các quốc gia phương Tây lo ngại về các vấn đề cấm vận thì hai thị trường lớn là Ấn Độ và Trung Quốc lại “nằm ngoài cuộc chơi”. Hiện tại, Ấn Độ đang nắm lấy cơ hội. Dự kiến số dầu Nga cập bến nước này trong tháng 3 sẽ lên đến 30.000 thùng/ ngày, tăng so với con số 0 trong 3 tháng trước đó (không bao gồm dầu CPC, loại dầu pha bằng dầu Kazakhstan và Nga).
Thế nhưng, ít nhất là trong thời gian ngắn thì Ấn Độ sẽ không có dự định nhập nhiều. Lí do là vì hơn một nửa số dầu của họ là nhập từ Trung Đông. Cho dù một số dầu có thể thay thế bằng dầu Nga nhưng việc vận chuyển dầu từ Trung Đông rẻ hơn nhiều, vì vậy dầu Nga phải giảm giá thêm thì mới tăng được độ hấp dẫn đối với nước này. Ngoài ra, Ấn Độ đang phải thử nghiệm thanh toán với cơ chế đồng ruble-rupee vì không thể dùng đồng USD để thanh toán.
Đó cũng chính là lý do công ty lọc dầu lớn nhất nước, Tập đoàn dầu mỏ Ấn Độ, chỉ đặt hàng 3 triệu thùng. Cựu giám đốc kinh doanh dầu của Gazprom, Adi Imsirovic, hiện đang là chuyên gia của Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho rằng Ấn Độ không thể mua hơn 10 triệu thùng dầu Nga mỗi tháng. Ông đánh giá con số này là nhỏ, vì lượng dầu Nga được Cơ quan Năng lượng Quốc tế dự báo bị ế ẩm sẽ vào khoảng 3 triệu thùng mỗi ngày tháng sau.
Khi lượng dầu ế đạt đến mức cao như vậy thì chỉ có Trung Quốc mới có thể cứu Nga. Mỗi ngày số dầu nước này nhập khẩu chiếm 11% sản lượng hàng ngày của thế giới, khoảng 10,5 triệu thùng. Theo Imsirovic, Trung Quốc có thể mua đến 12 triệu thùng/ngày khi giá đang rẻ. Điều này đồng nghĩa với việc họ có thể mua 60 triệu thùng dầu Nga trong một thời gian ngắn.
Tuy nhiên, viễn cảnh trên vẫn chưa thể diễn ra vì việc vận chuyển dầu từ Nga đến Trung Quốc cũng là một điều khó khăn. Nếu thời gian dầu Nga đến châu Âu là ba hoặc bốn ngày, thì đến châu Á mất đến 40 ngày. Hơn nữa, dầu phải được chất lên các tàu chở dầu rất lớn, mất thêm thời gian và tiền bạc. Hiện tại, các ngân hàng ở Trung Quốc cũng không cho vay. Nếu mua hàng thì phải thanh toán bằng nhân dân tệ.
Thế nhưng, lý do lớn hơn là các thương nhân Trung Quốc vẫn đang chờ đợi một mức giá tốt hơn để dù mua dầu Nga vẫn tiết kiệm được nhiều tiền. Trong năm 2020, khi giá dầu lao dốc, họ đã tranh thủ tích trữ. Lần này họ cũng đang chờ đợi để làm điều tương tự.
Phần lớn những nhà máy lọc dầu đều được xây dựng và thiết lập để lọc một số loại dầu thô nhất định. Vậy nên, việc chuyển đổi từ loại dầu Urals có hàm lượng lưu huỳnh cao sang loại siêu nhẹ của Saudi Arabia khá tốn kém và mất thời gian. Có thể thấy, tương lai dòng chảy của dầu Nga sẽ chảy đến châu Á và châu Âu có thể định hình lại thị trường toàn cầu.