Trung Quốc đã đưa ra một loạt quy tắc để chống lại dịch Covid-19. Điều này có thể dẫn đến một sự rối ren trong chuỗi cung ứng của thế giới.
Việc ùn ứ, tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc, cùng với chiến sự giữa Nga và Ukraine có khả năng sẽ giáng một đòn mạnh lên nền kinh tế toàn cầu, làm chệch hướng phát triển của nó. Nền kinh tế này vốn đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi áp lực của tình hình lạm phát hiện tại.
Công ty vận chuyển hàng hóa Flexport đặt trụ sở ở San Francisco (Mỹ) cho biết, cần khoảng 111 ngày để hàng hóa ở các nhà máy ở châu Á đến nhà kho của họ ở Mỹ. Thời gian này gần bằng kỷ lục 113 ngày trong tháng 1 và gấp 2 lần trong cùng thời điểm trong năm 2019. Chặng đường đi từ bờ Tây đến châu Âu còn tốn nhiều thời gian hơn như thế, đạt kỷ lục gần 118 ngày.
Tại các bến cảng của Trung Quốc, tàu thuyền nối đuôi nhau xếp hàng ngoài khơi sau khi Thượng Hải bắt đầu phong tỏa. Thượng Hải là nơi có cảng chứa container lớn nhất thế giới. Dữ liệu của Bloonberg cho biết, 230 là tổng số tàu chở container đang cập cảng và ra khỏi khu neo đậu của cảng Ninh Ba hồi giữa tuần trước. Số này đã tăng 35% so với số liệu của cùng kỳ năm trước.
Không chỉ vận chuyển đường biển, vận chuyển hàng không cũng đang bị ảnh hưởng. Một số lượng lớn hàng hóa đổ về Sân bay Quốc tế Phố Đông (Thượng Hải). Thâm Quyến cũng chịu chung số phận với Thượng Hải vì các chuyến hàng được chuyển hướng từ Thượng Hải sang Thâm Quyến. Giám đốc vận tải đường biển Hãng hậu cần Dimerco Express (Đài Loan), ông Donny Yang, cho biết họ đã chuyển hướng đường di chuyển của hàng hóa từ Ninh Ba và Thái Thương để giải tỏa áp lực. Bên cạnh đó, chính quyền của Trung Quốc cũng ra các chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thông suốt hệ thống đường cao tốc.
Tại Mỹ, tổng số tàu container ở cụm cảng Los Angeles và Long Beach ít nhất là 57 chiếc tính vào giữa tuần trước, cao nhất kể từ cuối tháng 2. Một số chỉ số khác như thời gian lưu lại của container cũng đang tăng cao trở lại.
Một số lượng hàng hóa tồn động của California đã chuyển về bờ Đông để tìm tuyến đường nhanh hơn cho hàng hóa được đi nhanh hơn. Tuy nhiên, điều này lại làm cho tuyến đường di chuyển hàng hóa bị tắc nghẽn theo chiều ngược lại. Bờ Đông đã vượt qua bờ Tây khi số lượng container đang xếp hàng chờ bốc dỡ.
Châu Âu còn có tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn. Các cảng chính của khu vực châu Âu như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và ba cảng ở Anh phải hoạt động ở công suất cao. Họ đang chật vật tìm thêm không gian để chứa container vì không còn không gian để chứa.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs đã cho biết rằng những khó khăn mà chuỗi cung ứng đang gặp phải tồi tệ hơn những gì mà họ đã dự đoán trước đó. “… chúng tôi đã điều chỉnh một chút dự báo tăng trưởng và lạm phát trong những tuần gần đây”. Stephanie Loomis, Phó chủ tịch phụ trách thu mua quốc tế của CargoTrans, cho biết rất có khả năng một số công ty đã cố hết sức để chuyển hướng đơn đặt hàng của họ hoặc hủy đơn hàng.
Theo dự đoán của các chuyên gia, dù dịch bệnh được khống chế thì việc gián đoạn trong chuỗi cung ứng vẫn sẽ lan rộng ra toàn thế giới và kéo dài đến cuối năm. “Chúng tôi dự đoán tình trạng lộn xộn hơn năm ngoái. Nó sẽ tác động tiêu cực đến cả năm 2022”, Jacques Vandermeiren, Giám đốc điều hành cảng Antwerp – cảng bận rộn thứ hai của châu Âu, nhận định.