Một vài chuyên gia kinh tế lo ngại lạm phát tăng, tăng trưởng giảm có thể xảy ra khi các quốc gia, doanh nghiệp lựa chọn đối tác của họ.
Khi các căng thẳng địa chính trị tăng lên, chính phủ các nước phương Tây thúc giục doanh nghiệp chuyển hoạt động kinh doanh sang các nước thân thiện hơn. Một số nhà phê bình cho rằng, điều đó có thể chia rẽ nền kinh tế toàn cầu thành các phe thù địch, làm tổn hại đến tăng trưởng và làm trầm trọng thêm lạm phát.
Những người ủng hộ xu hướng giao thương với “nước bạn” (Friend-Shoring) cho rằng, quyền được tiếp cận đến các nguyên liệu và linh kiện quan trọng được bảo vệ bởi ý kiến ủng hộ trên. Đó là bài học được rút ra từ đại dịch, khi thế giới chứng kiến sự thiếu hụt chất bán dẫn và một số thành phần khác làm ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quan trọng.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng việc hạn chế tự do thương mại và đầu tư có thể xóa đi thành quả hàng thập kỷ của toàn cầu hóa. Nhờ xu hướng này mà hàng trăm triệu người được nâng cao thu nhập và phương Tây có được hàng hóa giá rẻ.
Các chuyên gia cũng lo rằng, xu hướng giao thương chia phe, làm ăn với “nước bạn” có thể đặt các mối quan tâm về an ninh và chính trị lên trên hiệu quả kinh tế hơn mức cần thiết. Một số quốc gia rơi vào tình thế phải chọn bên, tạo thành những bong bóng khép kín.
“Tôi lo lắng rằng chúng ta có thể đang trên con đường dẫn đến một thế giới bị chia cắt thành nhiều khối”, Beata Javorcik, Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), cho biết.
EBRD được thành lập vào năm 1991 nhằm giúp các quốc gia ở Đông Âu và Liên Xô cũ tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Đối với bà Javorcik, xu hướng giao thương với “nước bạn” hiện nay mang một dư âm của Chiến tranh Lạnh.
Rất có khả năng nền kinh tế thế giới sẽ phân tách thành hai khối bao gồm: một bên tập trung vào Mỹ và bên còn lại tập trung vào Trung Quốc đã được các nhà kinh tế tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) – tổ chức gắn liền nhất với toàn cầu hóa – nghĩ đến.
Theo những tính toán của họ, việc hình thành một thế giới hai khối sẽ dẫn đến tổn thất 5% sản lượng kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian từ 10 đến 20 năm, tương đương với khoảng 4.400 tỷ USD. Các nhà kinh tế WTO cho rằng xu hướng làm ăn với “nước bạn” dẫn đến giá cả cao hơn và lợi nhuận thấp hơn ở phương Tây. Cùng với đó, các nước nghèo hơn cũng gánh chịu hậu quả không cân xứng, khi trước đó họ phần lớn hưởng lợi từ việc chuyển giao công nghệ mà toàn cầu hóa mang lại.
Lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu tuần qua là một ví dụ minh họa. Trên thực tế, việc hạn chế người châu Âu phải chuyển hướng sang mua dầu từ các nguồn cung mà họ cho là thân thiện hơn cũng đồng nghĩa phải chấp nhận giá cao hơn.