Vay thế chấp là một hình thức vay vốn đã rất quen thuộc với nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ sự phát triển của công nghệ, mọi người đã có thể vay thế chấp online. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về vay thế chấp nhé!
Contents
Vay thế chấp là gì?
Vay thế chấp là hình thức cho vay tiền có tài sản đảm bảo. Người đi vay sẽ thế chấp tài sản của mình cho ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để lấy một khoản tiền. Trong thời gian vay, người đi vay phải còn quyền sở hữu đối với tài sản đó.
Xem thêm: Vay tín chấp là gì?
Đặc điểm của vay thế chấp
Một số điểm đặc trưng của hình thức cho vay thế chấp:
- Người đi vay vẫn sở hữu tài sản đảm bảo: Khi đi vay, ngân hàng sẽ chỉ giữ những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của người đi vay với tài sản đảm bảo. Tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu của người đi vay và người đi vay vẫn có thể sử dụng chúng.
- Chấp nhận nhiều loại tài sản đảm bảo: Các ngân hàng và tổ chức tín dụng chấp nhận nhiều loại tài sản đảm bảo có giá trị khác nhau như: Sổ đỏ, sổ hồng, ô tô, hàng hóa luân chuyển, máy móc, thiết bị,… Các tài sản này sẽ được ngân hàng và các tổ chức tín dụng thẩm định, sau đó định giá chúng và đưa ra giá trị phù hợp mà người đi vay có thể vay.
- Thời gian vay linh hoạt: Các tổ chức tài chính cũng như ngân hàng sẽ đưa ra nhiều sự lựa chọn về thời gian cho người đi vay. Thậm chí có nhiều khoản vay kéo dài lên đến 25 năm.
- Lãi suất thấp: So với lãi suất vay tín chấp thì lãi suất vay thế chấp là thấp hơn, ưu đãi hơn, do đó, số tiền lãi mà người đi vay phải trả cũng thấp hơn.
- Hạn mức vay lên đến 70 – 100% giá trị của tài sản đảm bảo: Các ngân hàng cho phép người đi vay vay với hạn mức khá cao, lên đến 70 – 100% giá trị tài sản đảm bảo. Do đó, hình thức vay này phù hợp với những khách hàng cần một số vốn lớn để đầu tư.
Phân biệt vay thế chấp với vay tín chấp
Tiêu chí | Vay thế chấp | Vay tín chấp |
Tên gọi khác | Vay có tài sản đảm bảo | Vay không tài sản đảm bảo |
Đặc điểm | Là hình thức vay tiền cần có tài sản đảm bảo và tài sản đảm bảo phải thuộc quyền sở hữu của người đi vay, được thẩm định giá trị bởi ngân hàng. | Là hình thức vay tiền không cần tài sản đảm bảo mà dựa trên sự uy tín và năng lực trả nợ của người đi vay. |
Tài sản thế chấp cần có | Tài sản đảm bảo theo quy định | Không cần tài sản đảm bảo |
Lãi suất | Thấp hơn và giảm dần | Cao hơn |
Hạn mức | 70-100% giá trị tài sản đảm bảo | Thấp hơn |
Thời gian xét duyệt | Thời gian xác minh điều kiện và xử lý giao dịch lâu | Thời gian xét duyệt nhanh, giải ngân nhanh chóng, có thể vay ngay trong ngày |
Thủ tục đăng ký | Phức tạp | Đơn giản hơn |
Có thể thấy từ bảng so sánh trên, cho vay với hình thức thế chấp sẽ phù hợp với những người cần một số vốn lớn để đầu tư. Ngược lại, đối với những người cần vay một số vốn ít, nhanh chóng, chỉ sử dụng với mục đích tiêu dùng thì vay tín chấp là một lựa chọn hợp lý. Do đó, trước khi vay, người đi vay cần tìm hiểu rõ các thông tin để lựa chọn được hình thức vay tiền phù hợp.
Lợi ích nhận được khi vay thế chấp
- Hạn mức vay lớn: Người đi vay có thể vay một số tiền lớn, lên đến hàng tỷ đồng để đáp ứng cho những nhu cầu tiêu dùng của mình như đầu tư, mua nhà, mua xe, sửa chữa nhà cửa, làm ăn kinh doanh hay đi du học,… Số tiền được vay sẽ phù thuộc vào giá trị của tài sản đảm bảo mà khách hàng thế chấp.
- Giảm gánh nặng trả nợ: Lãi suất cho vay sẽ được giảm dần theo thời hạn vay. Thời gian vay tiền khá dài, lên đến 25 năm. Nhờ vào đó, khách hàng sẽ có nhiều thời gian hơn để xoay sở, cân đối tài chính để trả nợ cho ngân hàng.
- Hình thức trả nợ linh hoạt: Trả lãi hàng tháng, hàng quý, hàng năm; tiền gốc trả dần hoặc trả một lần.
- Vẫn được sở hữu tài sản: Dù đã thế chấp tài sản, tuy nhiên, người đi vay vẫn còn quyền sở hữu và sử dụng tài sản. Ngân hàng chỉ giữ những giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản để làm bằng chứng cho khoản vay.
Các loại lãi suất vay thế chấp và cách tính lãi
Lãi suất cố định
Là lãi suất không thay đổi trong suốt thời gian vay. Mỗi tháng, người đi vay vẫn phải trả một số tiền lãi là như nhau cho ngân hàng hay các tổ chức tín dụng. Công thức tính lãi suất cố định là:
Số tiền lãi mỗi tháng = Số tiền vay thế chấp x Lãi suất cố định (%/năm)/12
Ví dụ: Nếu khách hàng vay thế chấp 30.000.000 VNĐ, lãi suất cố định 12%/năm, thời hạn vay 1 năm. Mỗi tháng số tiền lãi là 30.000.000 x 12%/12 = 300.000 VNĐ.
Lãi suất thả nổi
Là lãi suất sẽ thay đổi tùy theo quy định và chính sách của các ngân hàng trong những thời điểm khác nhau. Thông thường, mỗi 3 tháng hoặc 6 tháng thì các ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất vay một lần.
Công thức tính lãi suất thả nổi:
Lãi suất thả nổi = Lãi suất cơ sở + biên độ lãi suất
Số tiền lãi mỗi tháng = Số tiền vay thế chấp x lãi suất thả nổi (%/tháng)
Trong đó:
Lãi suất cơ sở: Là lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 24 tháng và lĩnh lãi vào cuối kỳ.
Biên độ lãi suất: Cố định trong suốt thời gian vay vốn và sẽ được ghi rõ trong hợp đồng vay thế chấp. Tuy nhiên, đôi khi, biên độ lãi suất sẽ thay đổi theo những biến động của thị trường.
Ví dụ: Khách hàng vay thế chấp 30.000.000 VNĐ, thời hạn 1 năm với lãi suất thả nổi, biên độ lãi suất là 0,2 %/tháng.
Từ tháng 1 đến tháng 3, lãi suất cơ sở là 0,8 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 0,8 + 0,2 = 1 %/tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 1% = 300.000VNĐ
Từ tháng 3 đến tháng 6, lãi suất cơ sở là 0,6 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 0,6 + 0,2 = 0,8 %/ tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 0,8% = 240.000VNĐ
Từ tháng 6 đến tháng 9 lãi suất cơ sở là 1 %/tháng nên lãi suất thả nổi là 1 + 0,2 = 1,2 %/ tháng. Số tiền lãi mỗi tháng trong thời gian này là 30.000.000 x 1,2% = 360.000 VNĐ
Như vậy, so với lãi suất cố định, lãi suất thả nổi có nhiều biến động hơn, có thể giảm hoặc tăng theo lãi suất thị trường và chính sách của ngân hàng thời điểm đó. Nếu áp dụng lãi suất thả nổi này, khoản vay thế chấp có thể gặp nhiều rủi ro.
Lãi suất hỗn hợp
Là lãi suất vay thế chấp gồm cả hai loại lãi suất cố định và lãi suất thả nổi được áp dụng trong một khoảng thời gian đã được thỏa thuận. Thông thường, lãi suất cố định sẽ được các ngân hàng áp dụng trong 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, 18 tháng hoặc 24 tháng tùy vào thỏa thuận của các gói vay. Sau đó, ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thả nổi đến hết thời gian vay.
Công thức tính lãi suất hỗn hợp sẽ được tính theo công thức tính lãi suất cố định hay lãi suất thả nổi tùy thuộc vào từng thời điểm áp dụng.
Ví dụ: Khách hàng vay thế chấp 30.000.000 VNĐ, thời hạn 1 năm với lãi suất hỗn hợp. Trong 6 tháng đầu, khoản vay sẽ áp dụng lãi suất cố định là 1%/tháng. Sau đó, áp dụng lãi suất thả nổi với biên độ lãi suất là 0,2 %/tháng.
- Trong 6 tháng đầu, số tiền lãi mỗi tháng mà người đi vay phải trả được tính như lãi suất cố định ở mục 3.1 là 300.000 VNĐ/tháng.
- Trong 6 tháng sau, số tiền lãi mỗi tháng mà người đi vay phải trả được tính như lãi suất thả nổi ở mục 3.2 là 300.000 VNĐ/tháng hoặc 240.000 VNĐ/tháng hoặc 360.000 VNĐ/tháng… tùy theo biến động của thị trường và quy định của ngân hàng.
Như vậy, lãi suất hỗn hợp vừa có tính chất ổn định như lãi suất cố định lại vừa có tính chất biến động như lãi suất thả nổi. Độ rủi ro của lãi suất hỗn hợp cao hơn lãi suất cố định nhưng lại thấp hơn lãi suất thả nổi.
Các hình thức cho vay thế chấp trên thị trường hiện nay
Vay kinh doanh
Vay kinh doanh là hình thức dành cho các khách hàng muốn vay vốn để phát triển kinh doanh.
Đặc điểm:
- Đa dạng mục đích vay vốn: Mở rộng phát triển kinh doanh, đầu tư tài sản cố định, bổ sung vốn kinh doanh lưu động
- Không phải phải có Đăng ký kinh doanh
- Có chính sách đặc biệt cho khách hàng kinh doanh lĩnh vực nhà hàng – khách sạn
- Đáp ứng tối đa 100% nhu cầu vốn và tối đa 10 tỷ đồng
- Chấp nhận nguồn thu trực tuyến
- Hạn mức cho vay cao đến 85% giá trị tài sản đảm bảo
- Phương thức trả nợ linh hoạt
- Lãi suất ưu đãi
- Thời gian vay kinh doanh tối đa 10 năm
Vay mua nhà đất, căn hộ
Vay mua nhà đất, căn hộ là hình thức vay dành cho các khách hàng đang có nhu cầu mua nhà đất hay căn hộ nhưng chưa đủ tiền.
Đặc điểm:
- Hỗ trợ 100% nhu cầu vốn, tối đa 75% giá nhà/căn hộ và tối đa 20 tỷ đồng
- Hoàn vốn, thanh toán công nợ cho bên bán nhà tối đa 12 tháng kể từ ngày ra sổ
- Thời gian vay mua nhà, căn hộ tối đa 25 – 35 năm tùy dự án
Vay mua xe ôtô, trả góp
Vay mua xe ô tô trả góp là hình thức vay dành cho khách hàng đang muốn mua xe ô tô để đi lại hoặc kinh doanh. Tài sản đảm bảo của khách hàng có thể chính là chiếc xe muốn mua.
Đặc điểm:
- Khoản vay áp dụng cho cả việc mua xe cũ và xe mới
- Thời gian cho vay tối đa 96 tháng đối với ô tô mới và 84 tháng đối với ô tô đã qua sử dụng
- Hạn mức cho vay lên tới 85% giá trị xe
- Phương thức trả nợ linh hoạt
- Thủ tục đơn giản, thời gian xử lý nhanh
Vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo
Vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo là hình thức vay giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn lớn để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng như mua sắm, trang trí nội thất, giáo dục, khám chữa bệnh, đi du lịch…
Đặc điểm:
- Phục vụ các mục đích tiêu dùng như mua sắm, du lịch, học tập, trang trí nội thất, khám chữa bệnh…
- Đáp ứng tối đa 100% nhu cầu vốn và tối đa 3 tỷ đồng
- Thời gian vay tiêu dùng thế chấp tối đa 10 năm
- Phương thức trả nợ linh hoạt
Vay sửa chữa nhà
Vay sửa chữa nhà là hình thức vay thế chấp dành cho các khách hàng có nhu cầu xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện nhà ở.
Đặc điểm:
- Phục vụ các mục đích như xây dựng, sửa nhà, hoàn thiện nội thất..
- Mức vay tối đa là 3 tỷ đồng
- Thời gian vay hoàn thiện nhà tối đa là 25 năm
- Phương thức trả nợ linh hoạt
Những điều kiện vay thế chấp
Người đi vay phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây mới được phép làm hồ sơ vay thế chấp:
- Từ 18 trở lên tại thời điểm đi vay
- Sinh sống và làm việc tại nơi có chi nhánh ngân hàng hoạt động
- Thu nhập thường xuyên, ổn định, đảm bảo khả năng trả nợ
- Tài sản thế chấp có giá trị bằng hoặc lớn hơn khoản vay
- Người vay có lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu
- Mục đích vay thế chấp phù hợp với quy định pháp luật
Trình tự cho vay thế chấp
Người đi vay có thể đăng ký vay thế chấp theo hai cách là vay kiểu truyền thống (trực tiếp đến quầy giao dịch để đăng ký) hay đăng ký vay thế chấp online.
Trong trường hợp, đăng ký tại quầy giao dịch, bạn thường được hướng dẫn thực hiện theo quy trình sau:
- Bước 1: Cung cấp các thông tin liên quan đến khoản vay cho giao dịch viên như nhu cầu vay, mục đích vay, tài sản thế chấp, thông tin cá nhân,…
- Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ vay thế chấp gồm:
- Đơn đề nghị vay vốn và phương án trả nợ theo mẫu của ngân hàng cho vay
- Giấy tờ tùy thân và chứng minh nơi cư trú: Bản sao CMND/CCCD/hộ chiếu, sổ hộ khẩu/KT3
- Giấy tờ liên quan đến mục đích vay vốn: Hợp đồng mua nhà, chiến lược kinh doanh,…
- Giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo: Sổ đỏ, giấy chứng nhận sở hữu,…
- Các tài liệu chứng minh thu nhập: Bản kê khai lương có xác nhận của cơ quan,…
- Bước 3: Ngân hàng sẽ thẩm định hồ sơ vay thế chấp
- Bước 4: Ngân hàng phê duyệt khoản vay. Thời gian phê duyệt đối với các khoản vay nhỏ thường diễn ra nhanh hơn. Đối với những khoản vay lớn, ngân hàng sẽ có một bộ phận độc lập thẩm định lại hồ sơ trước khi trình lên bên trên để xin phê duyệt.
- Bước 5: Ngân hàng gửi thông báo và giải ngân cho khách hàng. Người đi vay nên kiểm tra kỹ các thông tin về lãi suất, thời hạn cho vay, điều khoản giải quyết tranh chấp,… khi nhận được hợp đồng cho vay thế chấp.
Hồ sơ vay thế chấp
- Đơn đề nghị vay vốn và phương án trả nợ theo mẫu của ngân hàng cho vay
- Giấy tờ tùy thân: Bản sao chứng minh nhân dân/hộ chiếu, sổ hộ khẩu/KT3
- Giấy tờ liên quan đến mục đích vay vốn: Chiến lược kinh doanh, hợp đồng mua nhà…
- Giấy tờ liên quan đến tài sản đảm bảo: Sổ đỏ, sổ hồng, các phương tiện vận tải, giấy tờ có giá…
- Giấy tờ chứng minh thu nhập: Bản kê khai lương có xác nhận của cơ quan, giấy tờ chứng minh các nguồn thu nhập như cho thuê nhà, kinh doanh
Lãi suất vay thế chấp ngân hàng nào thấp nhất
Lãi suất cho vay thế chấp mua nhà
Ngân hàng | Lãi suất (%) | Mức vay tối đa | Thời hạn vay tối đa |
Sacombank | 7,5%/năm | 100% giá trị mua | 25 năm |
TPBank | 6,4%/năm | 90% giá trị nhà | 20 năm |
Agribank | 7%/năm | 85% giá trị nhà | 25 năm |
NCB | 6,5%/năm | 90% nhu cầu | 25 năm |
BIDV | 7,2%/năm | 100% TSĐB | 20 năm |
Vietcombank | 7,5%/năm | 70 % TSĐB | 15 năm |
MBBank | 7,9%/năm | 80% nhu cầu | 20 năm |
VIB | 8,3%/năm | 80% nhu cầu | 30 năm |
Techcombank | 8,29%/năm | 5 tỷ | 20 năm |
Lãi suất cho vay thế chấp mua xe ô tô
Ngân hàng | Lãi suất (%) | Mức vay tối đa | Thời hạn vay tối đa |
PVcombank | 7,49%/năm | 85% giá trị xe | 6 năm |
MBBank | 6,7%/năm | 75% giá trị xe | 7 năm |
Vietcombank | 7,5%/năm | 100% giá trị xe | 5 năm |
Sacombank | 7,5%/năm | 100% nhu cầu | 10 năm |
ACB | 7,5%/năm | Linh hoạt | 84 tháng |
TPBank | 7,1%/năm | 90% giá trị xe | 6 năm |
Agribank | 7,5%/năm | 85% tổng chi phí | Linh hoạt |
Vietinbank | 7,7%/năm | 80% giá trị xe | 5 năm |
BIDV | 7,3%/năm | 90% giá trị xe | 5 năm |
Techcombank | 8,29%/năm | 80% giá trị xe | 7 năm |
Lãi suất cho vay thế chấp để kinh doanh
Ngân hàng | Lãi suất (%) | Mức vay tối đa | Thời hạn vay tối đa |
Vietinbank | 7,7%/năm | 80% nhu cầu | 7 năm |
VPBank | 7,9%/năm | 80% giá trị TSBĐ | 10 năm |
BIDV | 6%/năm | Linh hoạt | 5 năm |
Sacombank | 6%/năm | Không giới hạn | Linh hoạt |
ABBank | 6,9%/năm | 90% nhu cầu | 10 năm |
MSB | 6,99%/năm | 5 tỷ | 7 năm |
Vietcombank | 7,5%/năm | 100% nhu cầu | Linh hoạt |
Agribank | 7,5%/năm | 90% nhu cầu | Linh hoạt |
MBBank | 7,9%/năm | 90% nhu cầu | 15 năm |
Techcombank | 8,29%/năm | 5 tỷ | 7 năm |
Lời kết
Trên đây là những thông tin về hình thức vay thế chấp. Dù đây là hình thức vay quen thuộc nhưng người đi vay vẫn cần cẩn thận và tìm hiểu thật kỹ thông tin để tìm được gói vay phù hợp nhất. Rất mong bài viết có thể đem lại những thông tin hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!