Vốn chủ sở hữu là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên một công ty và thường được các nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu một công ty nào đó. Vậy, cụ thể, vốn chủ sở hữu là gì? Vốn chủ sở hữu có những thành phần nào? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết bên dưới nhé!
Contents
- 1 Vốn chủ sở hữu là gì?
- 2 Các thành phần của vốn chủ sở hữu
- 3 Các hình thức của vốn chủ sở hữu doanh nghiệp
- 4 Sự khác biệt giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ
- 5 Sự khác biệt giữa vốn chủ sở hữu với vốn hóa thị trường
- 6 Công thức tính vốn chủ sở hữu
- 7 Các yếu tố tác động đến vốn chủ sở hữu
- 8 Trả cổ tức cho cổ đông ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu như thế nào?
- 9 Lời kết
Vốn chủ sở hữu là gì?
Vốn chủ sở hữu có tên tiếng Anh là Owner’s Equity. Vốn chủ sở hữu là nguồn vốn được nắm giữ bởi người chủ của doanh nghiệp hay các thành viên liên doanh và cổ đông của công ty. Các thành viên của công ty sẽ cùng nhau góp vốn để xây dựng một nguồn lực để doanh nghiệp có thể đi vào hoạt động.
Những người tham gia góp vốn vào doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ lợi nhuận mà công ty kiếm được hay sẽ cùng nhau gồng gánh các khoản lỗ hay nợ do hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty.
Vốn chủ sở hữu là nguồn tài trợ thường xuyên và cố định của doanh nghiệp. Trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu sẽ tăng thêm từ các nguồn khác nhau như: Lợi nhuận kinh doanh, chênh lệch giá trị của tài sản, chênh lệch giá của cổ phiếu,…
Nếu công ty ngừng hoạt động hay giải thể thì công ty vẫn phải trả các khoản nợ cho các chủ nợ và lương cho người lao động của công ty trước. Phần còn lại mới được chia cho các thành viên của công ty theo tỷ lệ góp vốn của mỗi người.
Trong cơ cấu vốn của công ty, vốn chủ sở hữu là một phần vô cùng quan trọng, nó có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của doanh nghiệp. Khi hiểu rõ về vốn chủ sở hữu của công ty sẽ giúp người điều hành công ty tận dụng được nguồn lực của công ty một cách hiệu quả.
Các thành phần của vốn chủ sở hữu
Trên Bảng cân đối kế toán của công ty, vốn chủ sở hữu sẽ được phản ánh bởi các thành phần:
Vốn góp chủ sở hữu
Đây là số vốn đầu tư hay số vốn góp đầu tiên khi thành lập công ty.
Bao gồm hai thành phần là:
- Vốn góp chủ sở hữu (hoặc vốn cổ phần): Đây chính là số vốn góp trên thực tế của các cổ đông. Được quy định cụ thể trong điều lệ của công ty. Theo quy định, số vốn góp của các công ty cổ phần sẽ được ghi nhận theo mệnh giá cổ phiếu của công ty đó.
- Thặng dư vốn cổ phần: Là số tiền chênh lệch mà doanh nghiệp thu được khi thực hiện các bước phát hành cổ phiếu với mệnh giá của nó.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định rằng mỗi cổ phiếu của các công ty sẽ có mệnh giá chung và cố định là 10.000 đồng. Dù đó là cổ phiếu của VinGroup (VIC), của Vinamilk (VNM) hay một công ty nào đó chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Dù mệnh giá của cổ phiếu là 10.000 đồng, tuy nhiên, giá giao dịch của các mã cổ phiếu này trên thị trường sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tiềm năng phát triển của công ty và thị hiếu của các nhà đầu tư.
Ví dụ: Giá tham chiếu trên thị trường của cổ phiếu ABC hiện là 30.000 đồng. Doanh nghiệp ABC sẽ phát hành ra công chúng 20.000 cổ phiếu.
Điều này không có nghĩa là ABC sẽ được bán ra với mức giá là 10.000 đồng/cổ, mà nó sẽ được bán với mức giá thị trường của nó. Theo ví dụ là 30.000 đồng.
Khi đó, số tiền mà công ty thu được khi bán ABC ra thị trường là:
30.000 x 20.000 = 600.000.000 đồng.
Số tiền này được phân bổ:
- Số tiền: 10.000 x 20.000 = 200.000.000 đồng, sẽ được ghi nhận tăng vào khoản Vốn cổ phần. Đồng thời, 20.000 cổ phiếu sẽ được cộng vào số cổ phiếu đang lưu hành.
- Số tiền còn lại: 600.000.000 – 200.000.000 = 400.000.000 đồng, được ghi nhận vào khoản thặng dư vốn cổ phần của công ty.
Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh
Bao gồm:
- Các quỹ: Quỹ dự phòng tài chính, Quỹ đầu tư phát triển,… Các quỹ này được doanh nghiệp trích lập để sử dụng cho những mục đích khác nhau như dự phòng, hoặc cho các hoạt động đầu tư. Nguồn trích quỹ được lấy từ nguồn lợi nhuận trong năm.
- Lợi nhuận chưa phân phối: Là khoản lợi nhuận được công ty giữ lại, chưa chia cho các cổ đông của công ty.
Lưu ý: Tỷ lệ trích lập các quỹ được quy định trong Điều lệ công ty, và không vượt quá tỷ lệ mà pháp luật quy định.
Ví dụ: Trong bảng báo cáo tài chính 2019 của NT2 (CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2):
Tổng vốn chủ sở hữu của NT2 tại 31/12/2019 là hơn 4.126 tỷ đồng. Trong đó:
- Vốn góp của chủ sở hữu là 2.878 tỷ đồng, chiếm 68,75%
- Lợi nhuận chưa phân phối là 1.111 tỷ đồng, chiếm 26,93%.
Chênh lệch đánh giá tài sản
Bao gồm:
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản: Phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản đánh giá lại chủ yếu là Tài sản cố định, Bất động sản đầu tư, hay thậm chí là Hàng tồn kho…
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái: Chênh lệch tỷ giá hối đoái thường phát sinh trong các trường hợp:
- Thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán phát sinh bằng ngoại tệ.
- Đánh giá lại các mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
- Chuyển đổi Báo cáo tài chính từ ngoại tệ sang Việt Nam đồng.
Các nguồn khác
Bao gồm:
- Cổ phiếu quỹ: Giá trị số cổ phiếu do doanh nghiệp mua lại. Giá trị này bao gồm giá cổ phiếu tại thời điểm mua lại và toàn bộ các chi phí liên quan.
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn kinh phí sự nghiệp…
Nhìn chung, trong cơ cấu vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, Vốn góp chủ sở hữu và Lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh là hai phần chiếm tỷ trọng cao nhất. Chênh lệch đánh giá tài sản và Các nguồn khác chỉ chiếm một phần nhỏ trong cơ cấu.
Các hình thức của vốn chủ sở hữu doanh nghiệp
Mỗi loại hình của doanh nghiệp sẽ có một hình thức vốn khác nhau. Một số hình thức của vốn chủ sở hữu hiện đang có mặt trên thị trường là:
- Doanh nghiệp nhà nước: Nguồn vốn hoạt động do nhà nước đầu tư.
- Công ty trách nhiệm hữu hạn: Vốn góp từ các thành viên tham gia thành lập công ty.
- Công ty cổ phần: Nguồn vốn được hình thành từ các cổ đông là chủ sở hữu của doanh nghiệp.
- Công ty hợp danh: Doanh nghiệp có ít nhất 2 thành viên hợp danh tham gia góp vốn thành lập công ty.
- Doanh nghiệp tư nhân: Vốn do chủ doanh nghiệp đóng góp. Cá nhân hoặc tổ chức sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.
- Doanh nghiệp liên doanh/xí nghiệp liên doanh: Là sự góp vốn, tiến hành giữa các doanh nghiệp trong hoặc ngoài nước.
Sự khác biệt giữa vốn chủ sở hữu với vốn điều lệ
- Vốn điều lệ: Là số vốn do các thành viên, cổ đông công ty góp hoặc cam kết góp trong thời hạn nhất định, được quy định trong Điều lệ công ty.
Trên Báo cáo tài chính, nó được thể hiện dưới tên gọi là Vốn cổ phần.
Vốn điều lệ là cơ sở để xác định tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên trong doanh nghiệp. Qua đó, làm cơ sở để phân chia quyền, lợi ích và nghĩa vụ giữa các cổ đông.
Vốn điều lệ chỉ được phép thay đổi khi có sự đồng ý của cổ đông.
Ví dụ: Việc huy động tăng thêm vốn hay không, sẽ phải được đưa ra thảo luận và xin ý kiến trong Đại hội cổ đông…
- Vốn chủ sở hữu: Là tất cả số vốn thuộc về cổ đông. Được cấu thành từ Vốn cổ phần (vốn điều lệ), Lợi nhuận chưa phân phối, và các nguồn khác.
Vậy, Vốn chủ sở hữu có quy mô lớn hơn so với Vốn điều lệ.
Cuối tháng 12/2020, vốn điều lệ của MWG có giá trị là 4.532.099.870.000 đồng. Và vốn chủ sở hữu là 13.762.594.364.719 đồng.
Sự khác biệt giữa vốn chủ sở hữu với vốn hóa thị trường
- Vốn hóa thị trường: Là số tiền bỏ ra mua toàn bộ vốn cổ phần của một doanh nghiệp tại thời điểm hiện tại. Nó có khả năng giúp các nhà đầu tư xác định rủi ro cũng như lợi nhuận trong cổ phiếu của một công ty.
Công thức tính:
Vốn hóa (Equity Value) = Giá của 1 cổ phiếu x Số lượng cổ phiếu đang lưu hành
Ví dụ: Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (VNM)
Giá đóng cửa của VNM 13/1/2021 là: P = 114.500 đồng
Số lượng cổ phiếu lưu hành: KLCP = 2.089.645.346 cổ phiếu (hay còn gọi là Khối lượng cổ phiếu)
Khi đó vốn hóa của VNM là:
P * KLCP = 114.500 x 2.089.645.346 = 239.364.390.000.000 đồng (hay 239.264 tỷ đồng)
Vốn hóa thị trường là căn cứ để đánh giá quy mô của doanh nghiệp và bị phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu. Trong khi đó, cổ phiếu lại có sự biến động theo thời gian.
Vốn chủ sở hữu lại là căn cứ để tính toán giá trị thực của doanh nghiệp vì nó không phụ thuộc vào giá trị cổ phiếu.
Công thức tính vốn chủ sở hữu
Khi thành lập doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cần biết cách hạch toán vốn chủ sở hữu. Trong kế toán, vốn chủ sở hữu sẽ có sự khác biệt giữa giá trị tài sản của công ty và giá trị các khoản nợ.
Công thức tính vốn chủ sở hữu:
Vốn chủ sở hữu = Tổng tài sản – Tổng nợ phải trả.
Ví dụ: Doanh nghiệp A thành lập với tổng giá trị tài sản doanh nghiệp là 1.5 tỷ nhưng có khoản vay nợ ngân hàng 0.5 tỷ để sản xuất.
Vậy, vốn chủ sở hữu doanh nghiệp A thực tế là:
1.5 tỷ VNĐ – 0.5 tỷ VNĐ = 1 tỷ VNĐ
Từ công thức xác định vốn chủ sở hữu có thể suy ra:
Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp có thể âm nếu tổng nợ phải trả lớn hơn tổng tài sản hiện có. Hoạt động hạch toán vốn chủ sở hữu rất quan trọng, giúp công ty điều chỉnh lại cơ cấu vốn, từ đó hoạt động kinh doanh hiệu quả.
Trong quá trình hạch toán vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp cần tuân thủ các nguyên tắc:
- Hạch toán chi tiết vốn chủ sở hữu doanh nghiệp theo từng nguồn hình thành. Theo dõi từng cá nhân hoặc tổ chức tham gia đóng góp vốn.
- Yêu cầu theo dõi chi tiết vốn góp theo từng đợt, số lần, số vốn thực góp.
- Chỉ giảm vốn kinh doanh trong các trường hợp: Trả vốn cho ngân hàng nhà nước, điều động vốn cho công ty con khác trong nội bộ, trả lại vốn cho cổ đông/bên liên doanh hoặc giải thể thanh lý.
- Trường hợp nhận góp vốn bằng ngoại tệ, cần quy đổi ra đơn vị VNĐ theo tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh.
- Với công ty cổ phần, giá trị góp vốn của cổ đông sẽ được ghi nhận theo thực tế phát hành cổ phiếu. Giá trị góp vốn sẽ được phản ánh theo 2 chi tiết: Vốn đầu tư của chủ sở hữu phản ánh qua mệnh giá cổ phiếu, và thặng dư vốn cổ phần phản ánh sự chênh lệch giá cổ phiếu so với giá phát hành lần đầu.
Các yếu tố tác động đến vốn chủ sở hữu
Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp sẽ chịu nhiều ảnh hưởng và có những thay đổi trong quá trình hoạt động. Sự tăng, giảm của vốn chủ sở hữu sẽ thể hiện tình trạng của công ty.
Vốn chủ sở hữu tăng
Trong các trường hợp sau, vốn chủ sở hữu sẽ được ghi nhận tăng lên:
- Doanh nghiệp có thêm thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu góp thêm vốn.
- Lợi nhuận kinh doanh bổ sung vào vốn chủ sở hữu, hoặc lợi nhuận từ các quỹ đầu tư mang lại.
- Cổ phiếu doanh nghiệp phát hành có giá trị cao hơn so với giá trị trước đó.
- Giá trị dương các khoản: Quà tặng, tài trợ cho doanh nghiệp sau khi trừ thuế, được cho phép ghi nhận vào vốn chủ sở hữu.
Vốn chủ sở hữu tăng là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động, kinh doanh có hiệu quả và mang lại lợi nhuận. Vốn góp được bổ sung cũng như vốn chủ sở hữu được tăng lên sẽ giúp cho doanh nghiệp được mở rộng quy quy mô hoạt động.
Vốn chủ sở hữu giảm
Trong quá trình hoạt động, nếu vốn chủ sở hữu bị giảm xuống có thể liên quan đến các trường hợp như:
- Hoàn trả vốn cho chủ sở hữu. Cổ đông hoặc người góp vốn rút vốn.
- Doanh nghiệp đang trong quá trình giải thể, phá sản hay chấm dứt hoạt động.
- Cổ phiếu doanh nghiệp phát hành có giá trị thấp hơn mệnh giá ban đầu.
- Doanh nghiệp phải bù lỗ do hoạt động kinh doanh không hiệu quả, theo quy định của cấp có thẩm quyền.
- Với công ty cổ phần, doanh nghiệp hủy bỏ cổ phiếu quỹ cũng khiến vốn chủ sở hữu giảm.
Vốn chủ sở hữu giảm cho thấy tình trạng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không phát triển tốt và không mang lại hiệu quả.
Trả cổ tức cho cổ đông ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu như thế nào?
Cổ tức là số tiền hoặc tài sản còn lại được chia cho cổ đông từ phần lợi nhuận sau thuế đã được doanh nghiệp trích lập các quỹ của họ.
Cổ tức tiền mặt
Trả cổ tức bằng tiền mặt là việc doanh nghiệp dùng tiền, từ lợi nhuận kiếm được, để chia cho cổ đông.
Trong 2019, doanh nghiệp NT2 đã chi hơn 287,8 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền cho cổ đông.
Nguồn tiền chi trả được lấy từ Lợi nhuận chưa phân phối. Vốn chủ sở hữu sẽ giảm tương ứng với số cổ tức tiền được chi ra.
Như vậy, bên cạnh việc mang lại lợi ích trực tiếp cho cổ đông, chứng minh được năng lực tài chính của công ty, thì cổ tức tiền mặt vẫn ẩn chứa một ảnh hưởng mang tính tiêu cực là làm giảm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ làm chậm quá trình tái đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh của công ty.
Xem thêm: Cổ tức là gì?
Cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng
Đây là trường hợp doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông.
Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, hoặc phát hành cổ phiếu thưởng sẽ không làm thay đổi vốn chủ sở hữu.
Trong Báo cáo tài chính năm 2017, Công ty Cổ phần Thế giới di động (MWG) đã chi ra 1.538 tỷ đồng để phát hành cổ phiếu thưởng.
Tuy nhiên, dòng tiền này không chảy ra ngoài doanh nghiệp, nó chỉ chuyển từ Lợi nhuận chưa phân phối, sang Vốn cổ phần. Trả cổ tức bằng cổ phiếu giúp doanh nghiệp có thể giữ lại được toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư mở rộng hoạt động.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về vốn chủ sở hữu của công ty cũng như giúp các nhà đầu tư phân biệt vốn chủ sở hữu với các loại vốn khác trong báo cáo tài chính. Rất mong bài viết này có thể mang đến những thông tin hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!