Chứng chỉ tiền gửi là một sản phẩm của các ngân hàng, tổ chức tài chính cung cấp để được góp vốn từ người mua – khách hàng của họ. Tuy nhiên, không phải ngân hàng, tổ chức tài chính hay khách hàng nào cũng được tự do phát hành và mua bán sản phẩm này. Trong bài viết này, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về hình thức đầu tư này nhé!
Contents
Chứng chỉ tiền gửi là gì?
Chứng chỉ tiền gửi có tên tiếng Anh là Certificate of Deposit, là một loại giấy tờ có giá, được các ngân hàng phát hành để huy động vốn đầu tư từ các tổ chức hoặc cá nhân. Trên thực tế, các chứng chỉ tiền gửi có giá trị như một quyển sổ tiết kiệm, xác nhận khách hàng có gửi một khoản tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.
Chứng chỉ tiền gửi lần đầu tiên được xuất hiện và sử dụng tại Mỹ vào năm 1961, sau đó được biết đến và lưu hành rộng rãi tại Anh. Tại thời điểm đó, chứng chỉ tiền gửi được xem như một loại trái phiếu, chủ sở hữu có toàn quyền chuyển nhượng, cho tặng cho người khác.
Khi nắm giữ chứng chỉ, khách hàng vẫn được hưởng lãi suất định kỳ đúng theo quy định của ngân hàng. Do đó, hình thức đầu tư này có thể được đánh giá là có độ an toàn và minh bạch cao.
Chứng chỉ quỹ là gì? Kinh nghiệm đầu tư chứng chỉ quỹ an toàn
Kinh nghiệm đầu tư cổ phiếu ngân hàng tốt nhất
Nhà đầu tư F0 nên chọn chứng chỉ quỹ hay cổ phiếu
Các loại chứng chỉ tiền gửi
Hiện nay, trên thị trường có 3 loại chứng chỉ tiền gửi chính là:
- Chứng chỉ tiền gửi ghi danh: Là giấy tờ có giá phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ có mang tên người sở hữu.
- Chứng chỉ tiền gửi vô danh: Là giấy tờ có giá phát hành dưới hình thức chứng chỉ hoặc ghi sổ không mang tên người sở hữu. Khi đó, quyền sở hữu chứng chỉ sẽ thuộc về người nắm giữ.
- Chứng chỉ tiền gửi ghi sổ: Là loại chứng chỉ không được quyền chuyển nhượng, thường sẽ bán theo mệnh giá và lĩnh lãi vào ngày đáo hạn.
Nguyên tắc phát hành chứng chỉ tiền gửi
Nguyên tắc phát hành chứng chỉ tiền gửi được quy định tại Điều 11 Thông tư 01/2021/TT-NHNN như sau:
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi theo quy định khi tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại khoản 1 Điều 130 Luật Các tổ chức tín dụng (đã được sửa đổi, bổ sung) và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện phát hành chứng chỉ tiền gửi trực tiếp cho người mua tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nội dung ghi trên chứng chỉ tiền gửi
Một chứng chỉ hợp pháp phải bao gồm tất cả các nội dung:
- Tên ngân hàng phát hành;
- Tên gọi của loại giấy tờ (chứng chỉ tiền gửi);
- Mệnh giá, thời gian hiệu lực, ngày phát hành, ngày đáo hạn;
- % lãi suất, phương thức trả lãi, thời gian trả lãi, nơi thanh toán gốc và lãi;
- Thể hiện rõ chứng chỉ tiền gửi ghi danh hoặc vô danh;
- Tên tổ chức, số giấy phép thành lập hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, địa chỉ của tổ chức mua giấy tờ có giá (nếu người mua là tổ chức) phải được ghi rõ;
- Họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, địa chỉ của người mua chứng chỉ tiền gửi (nếu người mua là cá nhân);
- Ký hiệu, số sê-ri phát hành chứng chỉ tiền gửi;
- Phiếu trả lãi đi kèm phải có các chi tiết liên quan đến giấy tờ có giá (số sê-ri, mệnh giá), lãi suất, số tiền lãi nhận được, kỳ hạn nhận lãi;
- Chữ ký của người đại diện tổ chức tín dụng theo pháp luật, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật và các chữ ký khác do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định;
- Các nội dung khác có liên quan hoặc bổ sung thông tin cho chứng chỉ tiền gửi.
- Các thiết kế và in ấn của chứng chỉ tiền gửi phải đảm bảo khả năng chống làm giả.
Đối tượng được phát hành chứng chỉ tiền gửi
Theo Điều 3 Thông tư 01/2021/TT-NHNN, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép phát hành giấy tờ có giá theo Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bao gồm:
- Ngân hàng thương mại
- Ngân hàng hợp tác xã
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài
- Công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính
Điều kiện để mua chứng chỉ tiền gửi
Để tham gia đầu tư vào loại giấy tờ có giá này, người tham gia phải đáp ứng được các điều kiện dưới đây:
- Công dân là người Việt Nam.
- Công dân là người nước ngoài đang sinh sống và làm việc hợp pháp tại Việt Nam.
- Từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Đã có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân.
- Đã từng thực hiện ít nhất một giao dịch tại ngân hàng mua chứng chỉ tiền gửi.
Trên đây là một số quy định chung của các ngân hàng phát hành chứng chỉ. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng khác nhau sẽ có thêm những điều kiện khác kèm theo.
Ưu – Nhược điểm của chứng chỉ tiền gửi
Một số ưu điểm của chứng chỉ tiền gửi có thể kể đến như:
- Có thể xem như một tài sản đầu tư phi rủi ro. Mức độ an toàn cao nhờ được đảm bảo bởi các tổ chức tài chính lớn.
- Cả gốc lẫn lãi đều được đảm bảo trong suốt thời gian gửi tiền.
- Mức lãi suất cao hơn nhiều so với hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng.
- Trong một vài trường hợp, người nắm giữ hoặc chủ sở hữu có thể chuyển nhượng, bán giấy tờ có giá trị để linh hoạt trong việc vay vốn.
Tuy nhiên, hình thức đầu tư này cũng có một số nhược điểm nhất định. Cụ thể:
- Không được thanh toán trước hạn
- Tính thanh khoản thấp
- Lãi suất dài hạn chưa cao
Một vài ngân hàng cho phép rút vốn hoặc thanh toán lãi suất trước hạn nhưng với điều kiện phải cầm cố giấy tờ có giá để vay lại tiền. Lúc này, người mua phải nắm rõ các quy định về lãi suất, tính toán cẩn thận, và chỉ mua khi có kế hoạch rõ ràng.
Sự khác nhau giữa chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm
Dù đều là hình thức đầu tư bằng cách gửi tiền ngân hàng và nhận lãi hàng tháng hoặc khi đáo hạn. Tuy nhiên, chứng chỉ tiền gửi và sổ tiết kiệm vẫn có những sự khác biệt nhất định:
Đặc điểm | Chứng chỉ tiền gửi | Sổ tiết kiệm |
Lãi suất | Lãi cao và ổn định hơn, tùy vào dài hạn hay trung hạn. | Mỗi ngân hàng có mức lãi suất khác nhau, tùy kỳ hạn. |
Kỳ hạn | Kỳ hạn dài, tùy theo đợt và ngân hàng. | Các kỳ hạn ngắn từ 1, 2, 3, trung hạn từ 6, 9 tháng và dài hạn gồm 12, 24, 36 tháng,… |
Tính thanh khoản | Không được rút/ tất toán trước hạn, hoặc nếu có phải qua nửa kỳ hạn (tùy quy định ngân hàng). | Có thể rút tiền dễ dàng khi đến hạn.
Có thể rút trước hạn nhưng phải chịu mức lãi suất không kỳ hạn thường thấp 0,1-0,2%/năm. |
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng
Ngân hàng Bản Việt
Lãi suất chứng chỉ tiền gửi cao nhất thị trường hiện nay thuộc về ngân hàng Bản Việt với mức lãi suất 8,4%/năm cho các khoản tiền gửi từ 10 triệu đồng trở lên, áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi 18 tháng.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng áp dụng các mức lãi suất vô cùng ưu đãi cho các hạn mức khác như:
- Kỳ hạn 6 tháng: 7,5%/năm
- Kỳ hạn 9 tháng: 7,8%/năm
- Kỳ hạn 12 tháng: 8%/năm
- Kỳ hạn 15 tháng: 8,2%.
*Mức lãi suất trên được cố định trong suốt thời gian gửi.
Ngân hàng SeA – SeABank
Ngân hàng đang phát hành chứng chỉ tiền gửi dài hạn với lãi suất:
- Kỳ hạn 36 tháng: 7,85%/năm
- Kỳ hạn 24 tháng: 7,7%/năm
*Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng.
Ngân hàng Techcombank
Khách hàng sẽ được mua chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 6,5%/năm.
*Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng.
Ngân hàng Sacombank
Phát hành chứng chỉ cho khách hàng cá nhân và tổ chức, triển khai từ tháng 7 đến hết năm 2022.
Với kỳ hạn 7 năm (84 tháng), khách hàng sẽ nhận mức lãi suất lên đến 7,33%/năm. Lãi suất các năm tiếp theo sẽ được điều chỉnh phù hợp, đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.
*Khách hàng tham gia với mệnh giá tối thiểu từ 1 triệu đồng.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về chứng chỉ tiền gửi, một hình thức huy động vốn phổ biến của các ngân hàng và tổ chức tài chính. Đây có thể xem là một hình thức đầu tư khá an toàn và có lãi suất hấp dẫn, và phù hợp cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp. Rất mong bài viết này có thể mang đến những thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư. Chúc các nhà đầu tư thành công!