Nền kinh tế của Trung Quốc và châu Âu đang có dấu hiệu cho thấy sự chững lại, Mỹ thì ngày càng tiến gần đến suy thoái trong bối cảnh lạm phát dâng cao trên toàn cầu.
Hôm qua, ngày 20/05/2022, Thị trường chứng khoán châu Á bị bao trùm trong sắc đỏ, khi các công ty bắt đầu bị tác động bởi sự lạm phát trên toàn cầu, các lo ngại về việc lạm phát đi cùng với tăng trưởng chậm cũng xuất hiện. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 500 điểm, tương đương 1,9%. Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hong Kong lần lượt giảm 1,3% và 3,5%.
Đây là diễn biến tiếp theo sau sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ hồi 18/05/2022, sau khi các hãng bán lẻ công bố kết quả kinh doanh ảm đạm. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm hơn 1.164 điểm, tương đương 3,6%. Nasdaq cũng giảm hơn 4%. Cổ phiếu đại gia bán lẻ Target giảm đến 25% – mạnh nhất kể từ năm 1987.
“Chứng khoán châu Á đang đi theo sự sụt giảm của các nhà bán lẻ lớn tại Mỹ như Target và Walmart. Đây là những ví dụ về tác động của lạm phát đầu vào và biên lợi nhuận thu hẹp”, Justin Tang – Trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners – đánh giá.
Chỉ số SET của Thái Lan và Straits Times của Singapore ở khu vực Đông Nam Á cũng giảm trong phiên giao dịch buổi sáng nhưng lại hồi phục trong phiên giao dịch buổi chiều. Chỉ số giá tiêu dùng của các nước ở khu vực châu Á cũng đang tăng, ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư trong tương lai.
Tang cho biết xu hướng lạm phát ảnh hưởng đến lợi nhuận các nhà bán lẻ sẽ lan rộng ở châu Á, “do chuỗi cung ứng toàn cầu chưa phục hồi sau các tác động liên quan đến Covid và chiến sự ở Ukraine”.