Tổ chức OPEC+ đồng ý tăng sản lượng dầu thô bơm ra thị trường trong 2 tháng tới, khi sản lượng của Nga bắt đầu sụt giảm vì các lệnh trừng phạt.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC và đồng minh (OPEC+), trong đó có Nga, hồi 02/06/2022 đã thống nhất tăng cung thêm 648.000 thùng mỗi ngày trong tháng 7 và tháng 8. Mức này cao hơn 200.000 thùng một ngày so với kế hoạch cũ.
Chính quyền Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh “quyết định quan trọng của OPEC+” và nhấn mạnh vai trò của Saudi Arabia trong việc dẫn dắt tổ chức này đi đến thống nhất. Trước đó, Wall Street Journal, Financial Times và Reuters đã đưa tin về việc một số thành viên OPEC cân nhắc tạm ngừng thực hiện thỏa thuận sản lượng của OPEC+, để các nước như Saudi Arabia và UAE tham gia xoa dịu tình trạng thiếu cung đã kéo giá dầu lên hơn 120 USD tuần này.
Saudi Arabia trước đó đã phớt lờ lời đề nghị của Mỹ về việc tăng sản xuất. Họ vẫn tuân thủ các hạn ngạch trong thỏa thuận với Nga và các nước phi OPEC khác. Tuy nhiên, các lo ngại về giá cả tăng cao đẩy thế giới vào suy thoái có thể đã khiến họ nghĩ lại.
Theo một nguồn tin thân cận, Reuters cho biết sản lượng dầu của Nga giảm 1 triệu thùng một ngày trong vài tháng qua, do các lệnh trừng phạt của phương Tây sau xung đột tại Ukraine. Thông báo hồi 02/06/2022 của OPEC không đề cập đến sự sụt giảm này. Họ chỉ cho biết nguyên nhân là nhiều nền kinh tế lớn bỏ phong tỏa và dự báo nhu cầu của các nhà máy lọc dầu tăng sau thời gian bảo dưỡng định kỳ.
Giá dầu Brent tuần này đã chạm 125 USD một thùng – cao nhất kể từ đầu tháng 3. Giá dầu thô Mỹ WTI cũng lên 120 USD. Hiện tại, hai loại dầu này đã giảm về 117 USD và 116 USD.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine khiến các nước phương Tây cấm nhập dầu và các sản phẩm lọc dầu của Nga. Liên minh châu Âu tuần này đã ra thông báo cấm nhập 90% dầu Nga cho đến cuối năm nay.