Là một trong những chỉ số quan trọng để các nhà đầu tư đánh giá tình hình kinh doanh của một doanh nghiệp hay tiềm năng của một mã chứng khoán, ROE là chỉ số như thế nào? Cách tính chỉ số ROE có phức tạp hay không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Contents
Chỉ số ROE là gì?
ROE là từ viết tắt của cụm từ Return On Equity, là lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số này giúp người dùng nhận thấy và đánh giá được một doanh nghiệp sử dụng vốn chủ sở hữu của nó có hiệu quả hay không.
Chỉ số ROE phản ánh đến 2 chỉ tiêu hiện diện trên 2 loại báo cáo khác nhau là Lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo Kết quả kinh doanh (BCKQKD) và Vốn chủ sở hữu bình quân trên Bảng cân đối kế toán.
Khi đi vào “mổ xẻ” các vấn đề chuyên sâu thì các nhà phân tích có thể nhận được rất nhiều thông tin về kết quả kinh doanh, bức tranh tài chính trong quá khứ và cả sức khỏe tài chính của một công ty từ ROE.
Thông thường, các nhà đầu tư trước khi ra quyết định mua cổ phiếu sẽ rất quan tâm đến chỉ số tài chính này vì nó thể hiện được hiệu quả sử dụng vốn của một công ty. Các nhà phân tích cũng dùng chỉ số này để so sánh các công ty cùng ngành với nhau để xem công ty nào phát triển tốt và khỏe mạnh hơn.
Xem thêm: Sự khác biệt giữa ROE và ROA
Công thức tính chỉ số ROE
Công thức tính ROE tổng quát là:
Trong đó:
- Lợi nhuận sau thuế là khoản thu nhập sau khi đã trừ đi các chi phí và các khoản thuế phải nộp của công ty.
- Vốn chủ sở hữu bình quân là trung bình cộng của Vốn chủ sở hữu đầu kỳ và Vốn chủ sở hữu cuối kỳ.
Tính trực tiếp bằng số liệu trên Báo cáo tài chính:
* Trong ví dụ này, chúng ta sẽ cùng tính chỉ số ROE của Tổng công ty hàng không Việt Nam – HVN năm 2018.
Bước 1: Xác định lợi nhuận sau thuế
Lợi nhuận sau thuế của một công ty sẽ được thể hiện trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Ở đây, Lợi nhuận sau thuế của HVN năm 2018 là 2,598 tỷ đồng.
Bước 2: Xác định Vốn chủ sở hữu bình quân.
Vốn chủ sở hữu đầu kỳ vào cuối kỳ của HVN năm 2018 sẽ được thể hiện trên Bảng cân đối kế toán. Ta có Vốn chủ sở hữu bình quân của HVN năm 2018 là:
Bước 3: Áp dụng công thức để tính chỉ số ROE
Lấy chỉ số ROE được cung cấp sẵn
Hiện nay các công ty chứng khoán đã cung cấp sẵn dữ liệu cho người dùng có thể xem các chỉ số tài chính quan trọng, trong đó có chỉ số ROE. Điều này vô cùng tiện lợi cho các nhà đầu tư trong bước xem xét và nghiên cứu các chỉ số của một doanh nghiệp để ra quyết định đầu tư.
Chỉ số ROE có ý nghĩa như thế nào?
Thông qua ROE, các nhà phân tích sẽ biết được:
Từ 1 đồng vốn chủ sở, doanh nghiệp có thể kiếm được bao nhiêu lợi nhuận.
Khi chỉ số ROE của doanh nghiệp luôn được duy trì ổn định ở mức cao thì có thể tạm thời đánh giá rằng doanh nghiệp đó sử dụng vốn có hiệu quả. Thế nhưng, để có thể đưa ra đánh giá rằng chỉ số ROE như vậy là cao hay thấp thì cần phải tìm hiểu kỹ hơn.
Lý do là vì mỗi công ty, mỗi lĩnh vực đầu tư đều có những đặc trưng riêng. Để đánh giá chỉ số ROE của một công ty là cao hay thấp thì còn phải xem xét đến mức độ trung bình mà các công ty cùng lĩnh vực.
Ví dụ, đối với ngành Hàng tiêu dùng, chỉ số ROE sẽ tới vào mức 15.4%. Nhưng đối với các ngành có giá trị tài sản tương đối thấp hơn doanh thu như Công nghệ thông tin thì chỉ số ROE ở mức 22% hoặc cao hơn là điều bình thường.
Chỉ số ROE có vai trò gì?
Đánh giá tốc độ tăng trưởng
Công thức tính tốc độ tăng trưởng của một công ty là:
g = ROE * Tỷ lệ tái đầu tư
Trong đó:
- g: Tốc độ tăng trưởng của công ty (%)
- ROE: Tỷ lệ giữa lợi nhuận của công ty với vốn chủ sở hữu bình quân
- Tỷ lệ tái đầu tư – Retention ratio: Tỷ lệ phần trăm lợi nhuận giữ lại của công ty dùng để tái đầu tư sau khi trả cổ tức.
Tỷ lệ tái đầu tư = (1 – Tỷ lệ chi trả cổ tức)
Ví dụ:
Công ty A có: ROE = 10%; Tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm đều đặn là 20% trên tổng lợi nhuận
Vậy, tốc độ tăng trưởng của công ty A là:
g(A) = 10% * (1 – 20%) = 8%
Công ty B có: ROE = 10%; Tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm đều đặn là 40% trên tổng lợi nhuận.
Vậy, tốc độ tăng trưởng của công ty B là:
g(B) = 10% * (1 – 40%) = 6%
Vậy:
* Các nhà đầu tư nên cẩn thận với tình huống giả định tỷ lệ tái đầu tư và ROE dài hạn.
Có thể thấy rằng, nếu so sánh về tốc độ tăng trưởng trong dài hạn thì cổ phiếu A sẽ hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, nếu các nhà đầu tư thích cổ phiếu có tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn thì cổ phiếu B lại được ưa chuộng hơn.
Tuy nhiên, ở khía cạnh đánh giá tốc độ tăng trưởng thì ROE chỉ là một phần chứ không phải toàn bộ. Các nhà đầu tư nên kết hợp với các chỉ số khác để đánh giá thêm rồi mới đưa ra quyết định.
Đánh giá khả năng tạo ra giá trị
Giá trị mà các cổ đông nhận được khi đầu tư vào một công ty có sự tương quan rất lớn đến việc công ty đó có sử dụng vốn của họ một cách hiệu quả hay không.
Một số chuyên gia sẽ so sánh ROE với chi phí sử dụng vốn cổ đông (Cost of equity – Ke) để đánh giá. Đối với một số ngành có tỷ lệ rủi ro cao, các nhà đầu tư thường yêu cầu những yếu tố để đảm bảo sự an toàn cho khoản đầu tư của họ. Vì vậy, chi phí sử dụng vốn sẽ bị đẩy lên cao hơn.
Nếu ROE < Ke thì có thể đánh giá doanh nghiệp đó đang hoạt động thấp hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư. Ở chiều hướng ngược lại, ROE > Ke thì doanh nghiệp đang hoạt động tốt hơn sự kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Nhận diện doanh nghiệp cạnh tranh bền vững tốt
Lợi thế cạnh tranh bền vững của một ngành nghề thường sẽ thuộc về các công ty đứng đầu trong lĩnh vực đó. Vì quy mô sản xuất càng lớn sẽ giúp giảm giá vốn hàng bán xuống mức thấp hơn. Ngoài ra, thương hiệu lớn, có uy tín sẽ có lợi thế về thương hiệu và giá bán trên thị trường.
Chính nhờ những điều kể trên mà các doanh nghiệp lớn đầu ngành thường có chỉ số ROE cao vượt trội hơn với đa số những công ty khác.
Một ví dụ điển hình: CTCP sữa Việt Nam – Vinamilk, mã chứng khoán: VNM chiếm đến 55% thị phần trên thị trường sữa Việt Nam có chỉ số ROE vào khoảng 40%, một con số rất cao so với chỉ số ROE trung bình của ngành Thực phẩm là 16.4%.
Khi ra quyết định đầu tư, xem xét lợi thế cạnh tranh bền vững của một công ty là vô cùng quan trọng. Đầu tư vào một công ty có khả năng cạnh tranh tốt sẽ giúp các nhà đầu tư có được cơ hội thành công cao hơn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số ROE
Tuy có vai trò rất quan trọng trong quá trình phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp nhưng sẽ có những trường hợp ROE không thể hiện được hết sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Lí do là nó chỉ dựa vào Lợi nhuận sau thuế và Vốn chủ sở hữu bình quân của doanh nghiệp.
Để hình dung rõ hơn tình hình của doanh nghiệp, các nhà đầu tư có thể phân tách chỉ số ROE thành nhiều chỉ số nhỏ có liên quan theo mô hình Dupont.
Đầu tiên, các nhà đầu tư cần hiểu rõ thành phần của ROE theo mô hình Dupont là:
Từ đó, có thể nhận thấy các yếu tố ảnh hưởng đến ROE là:
Tỷ suất lợi nhuận ròng
Tỷ suất này cho thấy lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ một 1 đồng doanh thu.
Nếu chỉ số này tăng, có nghĩa là doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả và có lợi thế nhất định. Khi đó, họ có thể tăng giá bán hoặc tiết giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm.
Vòng quay tài sản
Là thước đo khái quát và dễ nhận thấy nhất về hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp.
Nếu chỉ số này tăng, cho thấy doanh nghiệp đang tạo ra được nhiều doanh thu hơn từ tài sản sẵn có.
Đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính thể hiện mối quan hệ giữa tổng tài sản và nguồn vốn sẵn có của doanh nghiệp. Nếu nó tăng, chứng tỏ doanh nghiệp đang vay vốn bên ngoài nhiều hơn để sản xuất kinh doanh.
Thông qua mô hình Dupont, nhà phân tích có thể hiểu rõ bản chất sự biến động của chỉ số ROE cũng như dự đoán được hướng đi của chỉ số này trong thời gian tới một cách chính xác hơn.
Điểm mạnh – Điểm yếu của ROE
Điểm mạnh
- Giúp người xem hình dùng được tỷ lệ phần trăm lợi nhuận thu được của các cổ đông vốn chủ sở hữu một cách rõ ràng.
- Giúp các nhà đầu tư so sánh hiệu suất của các khoản đầu tư cổ phiếu khác nhau. Từ đó có thể điều chỉnh chiến lược đầu tư trong tương lai.
Điểm yếu
- Gây hiểu lầm đối với các công ty mới, các công ty này mới thành lập nên sẽ có yêu cầu vốn cao trong những ngày đầu tiên dẫn đến ROE thấp hơn.
- Có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng các lưu ý kế toán khác nhau. Như tăng tuổi thọ dự án, giảm tỷ lệ khấu hao, v.v.
- Các doanh nghiệp có thể mua cổ phiếu quỹ nhằm mục đích làm tăng chỉ số ROE ảo.
Các câu hỏi về ROE
Công ty nên có chỉ số ROE là bao nhiêu
Như đã đề cập, chỉ số ROE sẽ phụ thuộc vào đặc thù của các ngành hay lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, chỉ số ROE sẽ chỉ có ý nghĩa khi các nhà đầu tư dùng nó để so sánh các công ty trong cùng lĩnh vực.
Ví dụ: Chỉ số ROE chuẩn của các công ty trong ngành công nghiệp Ô tô năm 2020 vào khoảng 12,5%, nhưng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ là 18%. Vì vậy, không có chỉ số ROE chuẩn nhất định cho tất cả các doanh nghiệp trên thị trường.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích thường sẽ đánh giá chỉ số ROE trong khoảng thời gian ngắn nhất là 3 năm chứ không đánh giá theo từng năm riêng lẻ. Nếu một công ty có chỉ số ROE trong 3 năm liên tiếp trên 20% thì công ty đó có sức cạnh tranh tốt.
Chỉ số ROE càng cao càng tốt?
Không hẳn lúc nào chỉ số ROE cao là sẽ tốt. Có nhiều trường hợp ROE cao là vì:
- Lợi nhuận không nhất quán: Ví dụ một công ty bị thua lỗ hay hoàn vốn trong một vài năm, khoản lỗ hàng năm của công ty đó sẽ được ghi nhận trên Bảng cân đối kế toán ở mục “lỗ giữ lại” và có giá trị âm. Điều này làm giảm vốn chủ sở hữu. Vì vậy, chỉ số ROE sẽ bị tăng lên do mẫu số của nó giảm.
- Dư nợ: Nếu một công ty đi vay quá nhiều thì giá trị Vốn chủ sở hữu của nó cũng sẽ bị giảm do Vốn chủ sở hữu bằng Tổng tài sản trừ đi Nợ phải trả.
- Thu nhập ròng âm: Nếu thu nhập ròng âm, Vốn chủ sở hữu âm sẽ làm cho ROE cao ảo. Vì vậy, khi một công ty bị âm thu nhập ròng hoặc âm vốn chủ sở hữu thì không nên dùng ROE để đánh giá.
Lời kết
Trên đây là thông tin về chỉ số ROE, công thức tính cũng như vai trò và ý nghĩa của nó trong tài chính nói riêng và chứng khoán nói chung. Rất mong bài viết này có thể cung cấp thông tin hữu ích cho bạn. Chúc bạn thành công!